Câu chuyện bắt đầu từ ca khúc “Ú ủ la hay” được nhạc sĩ Lê Mây phổ nhạc từ bài thơ “Ru con” của nhà thơ người Mường tỉnh Hòa Bình - Bùi Tuyết Mai gửi tặng với lời đề tựa: “Qua trao đổi em nhất trí để anh dùng ý tưởng bài thơ “Ru con” của em để phổ nhạc. Anh có thể sáng tạo lời thơ và bài cho phù hợp với nhạc của anh,vì thơ của em rất là khó phổ nhạc”. Ca khúc “Ú ủ la hay” được nhạc sĩ Lê Mây hoàn thành ngày 14/10/2008, đăng ký bản quyền tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ngày 19/12/2008. Rồi vài tháng sau đó xuất hiện một tác phẩm mới với tên gọi “Lời Mường ru” âm nhạc Đinh Tùng Bách (Đoàn nghệ thuật tỉnh Hòa Bình) lời thơ Bùi Tuyết Mai. Bài hát của tác giả Đinh Tùng Bách được nhạc sĩ Lê Mây cho rằng giống nhau đến kỳ lạ tới 90 % tác phẩm “Ú ủ la hay” của ông.Phóng viên VOV trao đổi với nhạc sĩ Lê Mây về vấn đề này:

PV:Thưa nhạc sĩ Lê Mây! Ông căn cứ vào điểm nào để khẳng định tác giả Đinh Tùng Bách đạo bài “Ú ủ la hay” của ông?

Nhạc sĩ Lê Mây:Tháng 7/2008, đoàn ca múa tỉnh Hòa Bình xuống nhà tôi chơi và tôi đã hát “Ú ủ la hay” rồi được các anh nhận ngay về giao cho ca sĩ Hồng Tam thể hiện. Trong chương trình tổng duyệt, bài hát hay nhưng tất cả đều nhận định phần phối chưa thành công. Tuy nhiên, do không còn thời gian phối lại nên vẫn giữ nguyên vậy.

ns-le-may-tro-chuyen-voi-pv.jpg
Nhạc sĩ Lê Mây

Sau đó một thời gian Đinh Tùng Bách phối lại và đảo lộn đi một số câu chữ, ví dụ như:“lợn thui thơm thơm”( lời bài hát Ú ủ la hay) thì biến thành “lợn quay thơm thơm” (lời bài hát Lời Mường ru), hay là “ngủ đi” thì “ngủ đi con hỡi”. Còn lời thơ thì một bài thơ dài trên 200 chữ của Bùi Tuyết Mai tôi chắt lọc lấy chỉ 2/3 và phát triển thêm chỉ còn hơn 80 chữ, có thể nói rằng “Ú ủ la hay” nhạc Lê Mây, lời thơ Bùi Tuyết Mai và Lê Mây mới đúng.

Tiếp đó, Đinh Tùng Bách đổi tên thành “Lời Mường ru”. Rồi đưa bài hát đi dự thi vào hồi tháng 4/2013 và nhận giải A Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc lần thứ 19 của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Lúc đó Trưởng phòng Nghệ thuật Đoàn nghệ thuật Hòa Bình cho biết, đã họp vì dư luận xì xào cũng như Đoàn biết rõ việc đạo bài hát “Ú ủ la hay” của tôi. Nhưng, Đinh Tùng Bách đã có thái độ tiêu cực và không hợp tác.

PV:Để nói đến đạo nhạc thì việc đầu tiên đó là sự giống nhau của âm nhạc. Vậy theo ông cụ thể âm nhạc của hai bài hát này giống nhau thế nào? Cách phát triển giai điệu ra sao?

Nhạc sĩ Lê Mây:Vâng! Có thể  nói là “Lời Mường ru” mà Đinh Tùng Bách lấy tên tác giả nhạc chiếm tới 90% phần âm nhạc của tôi (độc giả có thể xem hai bản nhạc để so sánh).

Bài hát "Ú ủ la hay"
Ví dụ, trong này có 3 nét nhạc chính: “Kìa mặt khỉ con vẫn còn nhăn, vây con cá bống vẫn còn máy” thì chỗ này 100% . Thế còn những câu như: “ngủ đi cho nếp nẩy mầm, cho cơm đồ thơm thơm, cho lợn thui thơm thơm, điếc mũi bốn mường” thì Đinh Tùng Bách đổi lời là “Cho cơm đồ thơm thơm, cho lợn quay thơm thơm”tức là đổi lợn thui thành lợn quay...

Bài hát "Lời Mường ru"
Có thể nói, cách tiến hành giai điệu là của tôi, Đinh Tùng Bách chỉ thay đổi một số chỗ lên quảng 3, hay quãng 5 đúng. Rồi nhiều chỗ bỏ qua cách tiến hành giai điệu chính, Đinh Tùng Bách dùng những nốt nhạc như một phức điệu, bè tòng. Những cái đó là sự biến đổi đơn giản của một người mới học những thủ pháp tối thiểu về sáng tác, Đinh Tùng Bách có thể phát hiện ra ngay có lấy nhạc hay không? Một lần nữa tôi khẳng định là đến 90% giai điệu của tôi.

PV:Nhạc sĩ đã liên hệ với tác giả Đinh Tùng Bách người được cho là đã đạo bài Ú ủ la hay của ông chưa?

Nhạc sĩ Lê Mây:Tôi có gọi cho Đinh Tùng Bách, thì được anh trả lời: “Chú ơi, qua điện thoại cháu xin lỗi chú vì cháu thấy bài chú hay quá, cháu làm cho hay hơn, nhưng mà chỉ có cái lỗi là giá như cháu đề tên chú thì không sao nhưng cháu lại đề tên cháu, đây là một cái lỗi. Bây giờ chú thiếu gì bài hát, chú nhẹ nhàng cho cháu thì cháu được hưởng, chú nặng cháu chịu”.

Lời bài hát "Ú ủ la hay" của nhạc sĩ Lê Mây

Sau hai tháng, từ tháng 7/2013, vào dịp mùng 2/9, khán giả trên Hòa Bình điện về cho tôi đồng thời gửi email cả văn bản, bản nhạc. Tôi đã gọi cho Đinh Tùng Bách để nói: “Nhân dịp mùng 2/9, thầy cũng độ lượng bởi vì thầy hiểu tình cảm của đoàn Hòa Bình với thầy rất lớn, đối với Tùng Bách cũng thế thôi. Vậy tốt hơn cả giấy trắng mực đen viết cho mình mấy chữ làm căn cứ không về sau nó méo mó đi, hoặc là đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, Tùng Bách mang cái bằng đó trao trả cho hội nhạc sĩ”.

Tuy nhiên, sau hai tháng hỏi lại thì Đinh Tùng Bách nói: “Chú nên nhớ rằng chú còn lên Hòa Bình đấy nhé”. Tôi trả lời: “Bách dọa chú đấy à”. “Không, nếu như không có chuyện gì xảy ra thì chú cháu mình uống rượu, chứ cháu không dùng dao búa với chú đâu” – Đinh Tùng Bách nói. Ngay hôm đó tôi cũng đã gọi cho Trưởng và Phó đoàn Nghệ thuật Hòa Bình thông báo, về những cử chỉ, suy nghĩ như thế và tôi thật sự buồn.

PV:Thơ phổ nhạc thành bài hát thì có nhiều, nhạc sĩ nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng đó là hai tư tưởng lớn gặp nhau. Hay nhạc theo thơ thì ai chả giống ai?

Nhạc sĩ Lê Mây:Cùng một bài thơ, nhiều nhạc sĩ phổ nhạc đó là chuyện xưa nay, như bài thơ: “Biển và Em” của nhà thơ Hữu Thỉnh thì nhạc sĩ Hoàng Đạm phổ, nhạc sĩ Hữu Xuân phổ, nhạc sĩ Nguyễn Chính phổ, thậm chí còn nhiều người khác nữa. Nhưng đó là bài thơ nguyên và không có ai kêu đạo nhạc. Rồi bài “Thuyền và Biển” thơ Xuân Quỳnh. Được phổ thành hai ca khúc khác nhau hoàn toàn và rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hữu Xuân và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng phổ nguyên lời thơ.

Bản photo bài thơ của Bùi Tuyết Mai bản viết tay tặng nhạc sĩ Lê Mây cùng lời đề tặng trong đó.

Nhưng còn bài thơ theo thể tự do của nhà thơ Bùi Tuyết Mai có trên 200 chữ, tôi chắt lọc và phát triển chỉ còn trên 80 chữ. Thơ Bùi Tuyết Mai nói về văn hóa Mường nên “lợn thui thơm thơm”. Còn Đinh Tùng Bách đã đổi thành “lợn quay thơm thơm”. Lợn quay người Mường không dùng, mà nó thông dụng ở thành thị. Cái đó là cái sửa mà không hiểu văn hóa. Âm nhạc thì có giống cũng chỉ giống ở một hai khuôn nhạc nào đó chứ sao giai điệu lại giống đến kỳ lạ vậy?

PV:Tức là tác giả Đinh Tùng Bách sử dụng lại đến 90 % lời thơ và sự phát triển thơ trong bài “Ú ủ la hay” của nhạc sĩ Lê Mây? Và ông (nhạc sĩ Lê Mây) khẳng định rằng chưa có một “Lời Mường ru” nào với lời thơ của Bùi Tuyết Mai trước đó?

Nhạc sĩ Lê Mây:Đúng như thế, nếu trùng ý tưởng thì một vài câu. Chứ đến mức giống như vậy thì kỳ lạ quá. Tôi cũng đã lên Trung tâm Bản quyền Âm nhạc Việt Nam. Và không có một tên bài hát nào là “Lời Mường ru”, đồng thời cũng không có một tên nhạc sĩ nào là Đinh Tùng Bách.

Bản nhạc ca khúc "Lời Mường ru" của tác giả Đinh Tùng Bách.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã lên Cục Âm nhạc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì cũng không có tác phẩm hay tên nhạc sĩ nào như vậy. Đấy là việc kiểm chứng về luật pháp của tôi.

PV:Vậy, ông đã phản ánh chuyện này với Hội Nhạc sĩ Việt nam chưa?

Nhạc sĩ Lê Mây:Tôi đã gửi hôm thứ 5 (5/12/2013) với hai đĩa CD bài “Ú ủ la hay” của tôi và “Lời Mường ru” mà Đinh Tùng Bách sao chép. Đồng thời, tôi đưa cả hai bản nhạc của 2 bài hát cũng như bản nhạc có đóng dấu xác nhận của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã lưu trữ ngày 19/12/2008. Tôi đưa cả bản photo bài thơ của Bùi Tuyết Mai bản viết tay tặng tôi cộng với lời đề tặng trong đó.

PV:

Xin cảm ơn nhạc sĩ./.
Bài phỏng vấn trên đây thể hiện quan điểm riêng của nhạc sĩ Lê Mây về sự việc. Hiện vẫn chưa có kết quả thẩm định của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau cuộc trò chuyện với NS Lê Mây, chúng tôi cũng đã cố gắng liên hệ với tác giả Đinh Tùng Bách để tìm hiểu nhưng chưa liên lạc được. VOV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới.