PV: Thưa nhạc sĩ, năm 2012 nhạc sĩ đã được phong tặng danh hiệu NSƯT. Điều này có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp sáng tác của ông?
Nhạc sĩ Thế Hiển: Tôi rất vinh dự khi được nhận danh hiệu NSƯT. Đây là mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Tôi đã nguyện trong lòng phải xứng đáng hơn nữa với những nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho.
Nhạc sĩ Thế Hiển (Ảnh: NLĐ) |
PV:Có khả năng sáng tác nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông lại bắt đầu từ con đường ca hát?
Nhạc sĩ Thế Hiển: Tôi tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc vào năm 1980 và trở thành đơn ca chính của đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc Bông Sen. Đến năm 1982, tôi mới sáng tác. Tác phẩm đầu tay có tên “Khi bong bóng bay” đã nhận được nhiều sự khích lệ, động viên. Ca khúc thứ 2 “Hát về anh” sáng tác năm 1983 được viết trong khi đi phục vụ bộ đội chiến đấu tại biên giới phía Bắc, tôi viết bằng tất cả những cảm xúc của tôi khi chứng kiến những hy sinh gian khổ của các anh. Ca khúc này được sáng tác ngay tại mặt trận biên giới nóng bỏng, vì thế nó mang tất cả những hình ảnh, ý nghĩa của cuộc chiến bảo vệ chủ quyền dân tộc. Đã 30 năm, ở nhiều nơi, nhiều sân khấu, nhiều chương trình nghệ thuật, ca khúc này vẫn được hát vang. Tôi vô cùng hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được thính giả ở khắp mọi nơi yêu thích như thế.
PV: Bài hát “Triệu đóa hoa hồng” - một bài hát Nga nổi tiếng từ những năm 80 của thập kỷ trước, cho đến nay vẫn được nhiều người yêu thích. Nhạc sĩ Thế Hiển là người đầu tiên đặt lời Việt, phổ biến và thể hiện ca khúc này. Ông có thể chia sẻ một chút về kỷ niệm đó?
Nhạc sĩ Thế Hiển: Trong chuyến đi của đoàn ca nhạc nhẹ Bông Sen đến Liên Xô (cũ) giao lưu và phục vụ cộng đồng người Việt năm 1983, tôi thấy bài hát này vang lên ở khắp mọi nơi. Nội dung bài hát nói lên sự hy sinh trong tình yêu để mang đến niềm hạnh phúc cho người mình yêu, rất gần gũi và phù hợp với sự cảm thụ âm nhạc của người Việt Nam. Tôi đã nhờ một người bạn tìm mua giúp tất cả tư liệu, đĩa hát và văn bản của bài hát để mang về Việt Nam.
Về đến Hà Nội, tôi đã nhờ NSND Trung Kiên dịch bài hát từ lời Nga sang lời Việt. Khi vào TP.HCM, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền của Hội Âm nhạc TP.HCM thấy bài hát đó và cũng dịch luôn. Vậy là tôi nhận được 2 bản dịch, bản dịch nào cũng hay cả. Nếu chọn người này thì lại thất lễ với nhạc sĩ kia, vậy nên tôi mạn phép lấy đoạn 1 là lời của NSND Trung Kiên, đoạn sau là lời của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Từ đó ca khúc “Triệu đóa hoa hồng” đã được tỏa rộng.
Nhac sĩ Thế Hiển là người đầu tiên đặt lời Việt, phổ biến ca khúc "Triệu đóa hoa hồng" tại Việt Nam (Ảnh: NLĐ) |
PV: Những sáng tác của ông rất đa dạng với nhiều đề tài: nhạc phong trào, tình ca, tình bạn, tình yêu trẻ thơ, tình mẫu tử, tình đồng đội... Ông thấy tâm đắc nhất với đề tài nào?
Nhạc sĩ Thế Hiển: Tôi đã đi biểu diễn ở rất nhiều nơi, nhất là thời kỳ bao cấp. Chúng tôi có mặt ở tất cả các chiến trường, các đơn vị bộ đội cũng như các lực lượng thanh niên xung phong. Khoảng thời gian thập kỷ 80 là giai đoạn vừa bảo vệ Tổ quốc vừa xây dựng đất nước. Thời gian của tôi ở rừng nhiều hơn là ở thành phố. Mỗi chuyến đi đều cho tôi những cảm xúc về quê hương đất nước, sự gian khổ của bộ đội cụ Hồ, những giọt mồ hôi của thanh niên xung phong và những nỗ lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước.
Chính nhờ điều đó mà những ca khúc của đều mang cảm xúc của những chuyến đi. Tôi yêu tất cả những đứa con tinh thần, vì đó là những kỷ niệm trong cuộc sống của tôi, và tôi ghi chép lại bằng âm nhạc để dâng lên cho đời, đúng như nhiều nhà báo đã viết về tôi như một người “viết nhật ký bằng âm nhạc”.
PV: Vậy “cuốn nhật ký âm nhạc” của ông hiện giờ đã có bao nhiêu ca khúc rồi, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Thế Hiển: Tôi không có nhiều tác phẩm đâu. Gia tài ca khúc của tôi chỉ gần 100 bài, trong đó khoảng 40 bài hát được phổ biến. Còn những bài hát chưa được công bố (cười). Các bác, các chú ở Hội Âm nhạc nhận xét: “Thế Hiển viết không nhiều nhưng viết chắc tay, viết bài nào định hình được bài đó”.
PV: Nhiều người nói rằng “âm nhạc của Thế Hiển giản dị, không thuộc loại đương đại nhưng lại không bao giờ cũ”. Còn nhạc sĩ Thế Hiển tự đánh giá về âm nhạc của mình như thế nào?
Nhạc sĩ Thế Hiển: Khi sáng tác ca khúc, tôi cũng đã vận dụng kiến thức của 1 ca sĩ. Tôi chọn những ca từ sao cho phải phù hợp với giai điệu. Sự trong sáng của ca từ sẽ hòa quyện với giai điệu. Mỗi sáng tác của tôi đều do tôi kiểm tra bằng chính tiếng hát của mình.
Tôi có quan niệm viết làm sao vừa giản dị, mọi người hát được, và quan trọng nhất là chủ đề sáng tác đọng lại điều gì trong mỗi ca khúc. Nó có đạt đến chân - thiện - mỹ, có truyền được cảm xúc của mình đến với mọi người để mọi người cảm thấy họ cũng ở trong ca khúc. Vì thế, những ca khúc của tôi không cầu kỳ, không có nhiều biến âm, không nhiều kỹ thuật cổ điển mà mang phong cách nhạc nhẹ với âm hưởng dân ca.
Tôi cũng áp dụng một số điệu thức dân ca Nam bộ vào ca khúc “Hoàng hôn màu tím”, dân ca Bắc bộ vào ca khúc “Cho dù có đi nơi đâu”, “Đây Mỹ Sơn huyền thoại” mang âm hưởng dân tộc Chăm… Tôi đều nghiên cứu trước khi viết chủ đề, tôi có sự đào sâu suy nghĩ và tìm chất liệu của từng vùng miền cho chính xác để tuôn trào cảm xúc khi sáng tác.
Nhạc sĩ Thế Hiển: Trong 20 năm qua, tôi đã viết 15 ca khúc về đề tài xã hội, trong đó có những ca khúc đã được phổ biến như “Dấu chấm hỏi”, “Người mẹ và hoa sưa trắng”, “Người phu xe”, “Nhong nhong nhong”… Hiện tôi còn một số ca khúc chưa công bố. Nhân chuyến đi xuyên Việt vào cuối năm nay, tại TP.HCM, tôi sẽ công bố những ca khúc này. Đồng hành với tôi trong chương trình sẽ có 15 bức tranh do họa sĩ Bùi Quang Lâm vẽ theo chủ đề. 15 bức tranh này sẽ được chiếu trên màn hình lớn trong thời gian diễn ra chương trình. Tôi và anh Lâm sẽ bán đấu giá 15 bức tranh cùng 15 bản thảo tôi viết tay, số tiền thu được sẽ gửi hết tới các quỹ vì người nghèo trên cả nước.
PV: Vậy nhạc sĩ Thế Hiển có ý định ra một album mới hay không?
Nhạc sĩ Thế Hiển: Có thể nói tôi là một nhạc sĩ, ca sĩ không có album, tập nhạc nào, đặc biệt không có scandal (cười). Không phải tôi không muốn làm album đâu. Tôi nghĩ mình vẫn còn khỏe, còn sung sức, có thể đi đây đó để làm dầy thêm số ca khúc của mình cũng như dành thêm nhiều thời gian để tìm kiếm cảm xúc. Vậy nên tôi vẫn tiếp tục sáng tác và âm thầm thu thanh các ca khúc của tôi. Tôi tin sẽ có một dịp thuận tiện để công bố các tác phẩm đó. Tuổi tôi năm nay gần 60 rồi, có thể 70 tuổi tôi vẫn chống gậy đi tìm cảm xúc (cười). Các bạn thính giả yêu nhạc khắp nơi vẫn sẽ thấy tôi ở các chương trình mà tôi tham gia sắp tới.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Thế Hiển./.