Liên quan đến Nghị định 15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79 về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu... và việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra thông tư 01 hướng dẫn thực hiện, đã tốn không ít giấy mực của báo chí thời gian qua. Dư luận bày tỏ quan ngại, liệu có phải Thông tư 01 đang “hiểu sai” Nghị định 15 của Chính phủ?
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam, ngay khi Nghị định 15 ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79, giới nhạc sĩ đã rất hân hoan khi biết rằng, trong Nghị định mới đã nêu khá chi tiết vấn đề thực thi tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc của các tác giả.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương |
Cụ thể, tại Điều 9 của Nghị định 15 nói về “Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang”, quy định rõ thủ tục cấp phép đối với một chương trình biểu diễn phải có: “văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Tuy nhiên, trong Thông tư 01, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành lại không cụ thể hóa việc này, thay vào đó là “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả".
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng: "Thủ tục cấp phép này trong lĩnh vực biểu diễn và in ấn xuất bản đã “góp phần” vào việc vô hiệu hóa cố gắng không biết bao nhiêu tâm sức và thời gian của người làm luật. Tác hại của sự lỏng lẻo trong quy chế cấp phép này đã làm cho trong 10 năm nay có hàng nghìn cuộc biểu diễn trốn trách nghiệm luật pháp của họ, không trả tiền tác giả. Chúng tôi đuổi theo họ vô cùng khổ ải".
Theo các nhạc sĩ như Doãn Nho, Vũ Mão, Nguyễn Tài Tuệ… quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đã được ghi rõ trong điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng lại không được tôn trọng trong Thông tư 01. “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả” chỉ là bản cam kết đơn phương, một lời “hứa suông” của đơn vị biểu diễn, bởi cam kết giữa hai bên (bao gồm tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả) khác hoàn toàn với một bản tự cam kết. Điều này không đúng tinh thần Nghị định 15.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nói: "Cục Biểu diễn Nghệ thuật là người đứng ra cấp phép cho người biểu diễn mà không quan tâm đến ý kiến của các tác giả bao giờ. Họ không có quyền thay mặt các nhạc sĩ sáng tác nếu các nhạc sĩ sáng tác không trao quyền ấy cho họ. Tại sao lại làm sai đến mức độ ấy, sai cả Nghị định?".
Thực tế có phải Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cụ thể ở đây là Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đang tước đi quyền tác giả chính đáng của các nhạc sĩ hay đây là việc cần thiết để lược bỏ những thủ tục hành chính, giấy phép con gây cản trở hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong cả nước? Ý kiến của một số đơn vị tổ chức sự kiện cho rằng, lâu nay trong giấy phép biểu diễn đã có quy định thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan thì việc thêm một văn bản ký kết với các nhạc sĩ là không cần thiết.
NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại, đơn vị tổ chức nhiều chương trình ca nhạc, nghệ thuật nói: "Chúng tôi là những người thường xuyên tổ chức biểu diễn gặp rất nhiều vất vả, mất thời gian về những thủ tục. Đây cũng được xem là một cuộc cách mạng lược bỏ bớt các giấy phép con. Ai cũng muốn cấp phép thì không đúng với tinh thần của chính phủ".
Nói như NSND Trần Bình thì đây là câu chuyện muôn thủa khi một tổ chức nghề nghiệp muốn chen chân vào quản lý mà không muốn là đơn vị thực thi. Tuy nhiên điều các nhạc sĩ đang quan ngại cũng không phải là vô lý khi nhà tổ chức chỉ cần đơn phương ký vào mẫu cam kết, rồi nộp bộ hồ sơ là được cấp phép biểu diễn. Trong trường hợp đó, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả lâm sẽ vào cảnh “nắm dao đằng lưỡi” bởi nhà tổ chức biểu diễn có thể lờ việc đàm phán hay nộp tiền tác quyền.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: "Cái khúc mắc của tác quyền ở đây vấn đề không phải là tổ chức cá nhân không đóng tác quyền, quan trọng là mức thu thỏa thuận giữa người sở hữu tác phẩm và người đại diện cho tác giả và chủ sở hữu không thống nhất được với nhau. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam phải có trách nhiệm phát hiện ra những tổ chức cá nhân không thực hiện tác quyền và có văn bản kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước sẽ từ chối cấp phép các anh làm lần sau. Và điều đó là hết sức đơn giản".
Vậy là trong khi phía các nhạc sĩ mong muốn có một cam kết thực thi tác quyền song phương thì phía các đơn vị tổ chức lại mong càng tối giản thủ tục càng tốt. Một vấn đề đã gây tranh cãi từ rất lâu về bản quyền cũng như bảo hộ quyền tác giả tưởng như sẽ được giải quyết sau một Nghị định mớ của Chính phủ, thì nay lại tiếp tục bế tắc vì thông tư hướng dẫn thực hiện của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Thông tư vốn để hướng dẫn chi tiết Nghị định của Chính phủ thì nay lại đang "đá" Nghị định khiến những tranh cãi về tác quyền càng ầm ĩ thêm trong thời gian tới và việc truy thu tác quyền vì vậy sẽ tiếp tục gian nan./.