Vụ việc thu phí tác quyền giữa Trung tâm bảo hộ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) và BCT chương trình Khánh Ly hiện vẫn đang gây xôn xao dư luận. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như có góc nhìn đa chiều, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Triển – Văn phòng Luật sư Vì dân.
PV: Thưa Luật sư Trần Đình Triển, nhiều nghệ sĩ ủy quyền cho VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc bày tỏ nghi ngờ sự thiếu công khai và minh bạch của Trung tâm. Vậy ở góc độ pháp lý, ông có thể cho biết ý kiến của mình?
Luật sư Trần Đình Triển:Theo Nghị định của Chính phủ về công tác tổ chức hội nghề nghiệp, nếu tổ chức/hội muốn thành lập một Trung tâm hay một tổ chức có tư cách pháp nhân thì phải được Bộ chủ quản hoặc Bộ nội vụ đồng ý cho phép, trên cơ sở đó Bộ Nội vụ ra quyết định. Trung tâm có tư cách pháp nhân được thành lập hợp pháp và tự chủ về mặt tài chính, hoạt động độc lập, phải kê khai thuế khóa và phải coi nó như một doanh nghiệp.
Trường hợp của VCPMC là có tư cách pháp nhân nhưng lại “nấp” dưới Hội Nhạc sĩ Việt Nam và lảng tránh chuyện thu chi, hạch toán. Ví dụ như bên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thanh tra thì VCPMC không có tư cách pháp nhân độc lập, nhưng với các cơ quan thuế thì VCPMC lại trực thuộc Hội nhạc sĩ, tóm lại là lách luật ở chỗ đấy.
VCPMC làm dịch vụ bản quyền, đây là một luật nằm trong Luật sở hữu trí tuệ của Bộ luật dân sự. Không chỉ riêng VCPMC mà ai cũng làm được, họ phải ủy quyền cho người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong văn bản của Hội Nhạc sĩ thì nói rằng, nhạc sĩ ủy thác cho Trung tâm. Sự ủy thác với ủy quyền là hoàn toàn khác nhau, như vậy là có sự sai phạm về luật, về tổ chức. Vấn đề định mức hoạch toán thu phí của VCPMC cũng không đúng.
PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về sự không minh bạch trong thu chi của Trung tâm bảo hộ quyền tác giả hiện nay?
Luật sư Trần Đình Triển:Lấy ví dụ chương trình của Khánh Ly. Sau khi trừ đi tất cả mọi chi phí thì chia lợi nhuận và giả cho tác quyền. Ví dụ như Khánh Ly trả cho các ca khúc của Trịnh Công Sơn 50 triệu thì số tiền đó thuộc về gia đình của cố nhạc sĩ, còn bên Trung tâm VCPMC do ông Phó Đức Phương được hưởng bao nhiêu phần trăm trong 50 triệu phải được nêu rõ. Nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương chỉ thu mà không nói năng gì về phần này, dẫn đến nhiều ý kiến phản đối của các nhạc sĩ.
PV: Với tình trạng vi phạm bản quyền một cách ngang nhiên như hiện nay thì việc các nghệ sĩ đòi được trả bản quyền mà không phải qua một nơi như VCPMC là rất khó khăn, đúng không, thưa ông?
Luật sư Trần Đình Triển:Các nhạc sĩ sáng tác ra sản phẩm, người sử dụng phải trả tiền tác quyền – đó là chúng ta đang bảo vệ các nhạc sĩ. Tuy nhiên, thu tiền như thế nào thì phải theo thông tư hướng dẫn chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Phải phân rõ, tác phẩm nào được hưởng và không được hưởng bản quyền. Những tác phẩm sáng tác trên 50 năm thì không còn giá trị. Ngoài ra, nhạc sĩ phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của mình với tác phẩm thì mới được hưởng bản quyền.
Trên cơ sở đó, các đơn vị tổ chức biểu diễn sẽ làm việc với các tác giả theo đúng luật định. Hiện tại, nhạc sĩ Phó Đức Phương mới chỉ có bản ủy thác của các nhạc sĩ nhưng văn bản đó chưa chắc đã đúng pháp luật. Những nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Đỗ Nhuận… đã mất và không để lại di chúc thì những người đồng thừa kế đều đồng sở hữu, được hưởng các tác phẩm đó. Ví dụ như nhạc sĩ có một vợ, 3 người con thì 4 người đó phải ký chứ không phải 1 người được quyền ủy thác.
PV: Nhiều nhạc sĩ cũng rất bức xúc và nghi ngờ VCPMC không minh bạch trong thu chi tác quyền. Vậy theo luật sư, các nghệ sĩ nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư Trần Đình Triển:Tôi nghĩ rằng, phải khởi kiện, phải đưa ra ý kiến thì các cơ quan có thẩm quyền mới vào cuộc để kiểm tra. Trên cơ sở đó mới minh bạch chuyện thu chi, chứng từ. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang công an, nếu không họ xử lý về mặt tổ chức.
PV: Xin cảm ơn LS Trần Đình Triển./.