Những tranh cãi về vấn đề tiền bản quyền trong chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly đang để lại nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Một câu hỏi đặt ra là: Nếu ngay từ đầu, giữa đơn vị cấp phép biểu diễn nghệ thuật, đơn vị tổ chức và Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có sự thống nhất chặt chẽ thì đã không xảy ra những tranh cãi không đáng có xung quanh việc thực hiện chi trả phí bản quyền tác giả.

Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về vấn đề này.

ong_dao_dang_hoan_hwjr.jpg
Ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (ảnh: Vietnamnet)

PV:Thưa ông, dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc đòi phí bản quyền tác giả giữa Trung tâm Bảohộ quyềntác giả âm nhạc Việt Nam với Ban tổ chức chương trình Khánh Ly. Là đơn vị cấp phép biểu diễn, ông có quan điểm như thế nào về việc này?

Ông Đào Đăng Hoàn: Trung tâm của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn, với Bộ VHTT&DL về vấn đề thu tiền tác quyền. Nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì Trung tâm bản quyền cũng chưa rõ ràng định mức thu, định mức chi trả phần trăm đó cho những người nhạc sĩ đã ủy thác quyền tác giả. Tôi đã đề cập với nhạc sĩ Phó Đức Phương là làm sao phải có đơn giá rõ ràng để thu, chứ không thể thu ở nơi này, nơi kia. Cục Nghệ thuật biểu diễn ủng hộ quyền thực thi quyền tác giả trên cơ sở Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng ủng hộ phải dựa trên nguyên tắc, việc làm đúng.

PV:Khi cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, Cục Nghệ thuật biểu diễn có quy định các đơn vị biểu diễn phải thực hiện đầy đủ vấn đề bản quyền âm nhạc hay không?

Ông Đào Đăng Hoàn: Nghị định 79 và trước kia là quy chế về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không quy định rõ việc đó. Chúng tôi là đơn vị quản lý nhà nước nên thẩm định và duyệt chương trình theo đúng nguyên tắc. Nếu đầy đủ các điều kiện, tức chương trình đảm bảo đủ các yếu tố về mặt nội dung, hình thức thì chúng tôi mới cấp phép.

Trong giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn bao giờ cũng ghi rõ là đơn vị tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về Luật Sở hữu trí tuệ, về vấn đề bản quyền. Ghi vậy thôi nhưng Cục không làm thay, không đi thu tiền bản quyền. Còn đơn vị đó làm như thế nào, trách nhiệm không thuộc về chúng tôi xử lý, mà đã có pháp luật thực thi. Bây giờ, hoạt động của Trung tâm tác quyền với đơn vị tổ chức là thỏa thuận dân sự hai phía: anh thu và anh trả cho các nhạc sĩ, còn phần trăm anh giữ lại để duy trì, bảo tồn bộ máy hoạt động của anh đó là việc do các anh ấy làm.

PV:Để không còn những tranh cãi không đáng có, nên chăng trước khi tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam và đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật thống nhất với nhau về vấn đề phí bản quyền, sau đó mới trình lên để Cục Nghệ thuật biểu diễn làm căn cứ cấp phép?

Ông Đào Đăng Hoàn: Cái đó còn là câu chuyện dài, cần sự thống nhất. Hiện nay, một số đơn vị nghệ thuật công lập của chúng tôi cũng đang có ý kiến rất nhiều về vấn đề thu tác quyền. Chúng ta hòa nhập nhưng tất cả mọi cái phải có lộ trình.

Bây giờ, chúng ta vẫn đang bao cấp cho nghệ thuật chứ có phải là xã hội hóa tất cả đâu. Chúng ta phải bao cấp để lấy nghệ thuật tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Một đơn vị nghệ thuật công lập của chúng tôi đi diễn vùng sâu vùng xa, hải đảo, biên giới thậm chí diễn viên còn không dám nhận tiền bồi dưỡng. Ông tác quyền cứ thu thì chúng tôi lấy đâu ra tiền để trả. Cần phải có lộ trình dần dần, phải tuyên truyền để người ta hiểu vì đây là phục vụ nhiệm vụ chính trị.

PV:Xin cảm ơn ông./.