Tại diễn đàn trực tuyến "Tác động của đại dịch COVID-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch" diễn ra sáng 22/9 tại Hà Nội do Bộ VHTT&DL tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, gần 2 năm qua, dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể cho ra mắt công chúng những tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống.
Cụ thể, hàng loạt nhà hát, rạp, trung tâm văn hóa nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng… phải đóng cửa. Mọi hoạt động nghệ thuật như các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa nghệ thuật… bị tạm dừng hoặc hủy bỏ.
Nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sỹ, diễn viên... bị cắt giảm lương/thù lao. Nhiều nghệ sỹ, diễn viên phải duy trì cuộc sống với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thậm chí một lực lượng lao động trẻ, có năng lực chuyên môn phải nghỉ việc không hưởng lương.
Tuy nhiên, Cục NTBD đã từng bước đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong sáng tác, biểu diễn từ đó, khuyến khích các đơn vị nghệ thuật trên cả nước tích cực dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật có nội dung hấp dẫn, hình thức bắt mắt, với thời lượng phù hợp để phổ biến trên các nền tảng công nghệ trực tuyến như YouTube và các nền tảng mạng xã hội khác nhằm khai thác đối tượng khán giả rộng lớn trên các nền tảng công nghệ này.
Theo ông Lê Minh Tuấn, sức sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên vẫn không ngừng nghỉ, với chuỗi các chương trình nghệ thuật ý nghĩa như "Những ngôi sao bất tử, "Những mùa thu lịch sử, Giai điệu Việt…và chuỗi chương trình nghệ thuật online "Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch" được triển khai thực hiện trên các kênh sóng truyền hình và nền tảng công nghệ số, mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những nỗ lực của Cục NTBD trong việc tổ chức các chương trình nghệ thuật online, "tạo ra hiệu ứng vaccine tinh thần", "xoa dịu nỗi cô quạnh cho dân chúng".
Song, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đó mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ chính trị, còn nhiệm vụ phát triển kinh tế để nuôi bộ máy của hơn 100 đoàn nghệ thuật trong cả nước thì chưa làm được, không thể lấy lý do chờ hết dịch mới lên sân khấu biểu diễn. Bộ trưởng đặt câu hỏi, liệu Cục NTBD có thể đưa ra giải pháp để các nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể kiếm được tiền trên mạng xã hội.
"Youtuber có trên 1 triệu lượt theo dõi là phát sinh doanh thu rồi. Liệu các nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể làm được điều đó?", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hỏi.
Trước câu hỏi của Bộ trưởng, ông Lê Minh Tuấn thừa nhận, đơn vị nào cũng có kênh trên mạng xã hội nhưng chưa thu hút được nhiều người theo dõi. Thực tế, một số nhà hát như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ đang tìm hướng xây dựng kênh YouTube, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội nhưng chưa thể ngay lập tức đạt lượt theo dõi khủng.
Tuy nhiên, việc các nhà hát, đoàn nghệ thuật thu hút nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, tiến tới trở thành kênh phát sóng có thu phí là hướng đi phù hợp với xu hướng công nghệ hiện nay.
"Trong bài tham luận Cục NTBD cũng đã đưa ra giải pháp là từng bước hướng tới thiết lập được các website, kênh phát sóng trực tuyến các chương trình, tiết mục nghệ thuật có thu phí xem biểu diễn nghệ thuật trực tuyến. Trong thời gian tới, hy vọng việc chuyển đổi số, đưa nghệ thuật lên các chương trình trực tuyến sẽ nhiều hơn, hiệu quả hơn", ông Lê Minh Tuấn trả lời./.