Theo đuổi dòng nhạc âm hưởng dân gian, ca sĩ Thanh Nhàn đã có sự kết hợp đặc sắc giữa loại hình âm nhạc Chèo và Jazz trong album mới ra mắt mang tên “Yếm đào xuống phố”. PV VOV trò chuyện với ca sĩ Tân Nhàn về album này:
PV: Cái lạ ở album “Yếm đào xuống phố” là sự kết hợp giữa chèo cổ, xẩm với blue Jazz,lý do nàoTân Nhàn lại thực hiện dự án âm nhạc có thể nói là táo bạo này?
Ca sĩ Tân Nhàn:Là ca sĩ theo đuổi dòng nhạc mang âm hưởng dân gian, tự thân Tân Nhàn đã rất yêu các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc. Thông qua dự án, Tân Nhàn muốn âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả, nhất là những khán giả trẻ bằng một cách tiếp cận khác.
Thực ra kết hợp Chèo với Jazz cũng không phải là điều mới mẻ, trước đây, nghệ sĩ Nguyên Lê đã từng thực hiện dự án “Nguồn cội”, nhạc sĩ Quốc Trung với album “Đường xa vạn dặm”. Tuy nhiên, ca sĩ học kĩ thuật thanh nhạc opera lại hát về chèo cổ kết hợp với jazz thì có lẽ Tân Nhàn là người đầu tiên.
Ca sĩ Tân Nhàn |
PV: Vì sao Tân Nhàn lại hợp tác với Trần Mạnh Hùng hòa âm cho album “Yếm đào xuống phố”?
Ca sĩ Tân Nhàn:Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã hợp tác với Tân Nhàn trong nhiều sản phẩm âm nhạc như tham gia hòa âm cho các album: “Sông đợi”, “Bến sông xưa”… Gần đây, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc “Quê mẹ” dành riêng cho Tân Nhàn.
Trần Mạnh Hùng là nhạc sĩ tài năng, Tân Nhàn đánh giá anh là nhạc sĩ hàng đầu về hòa âm, anh cũng đã sáng tác những bản giao hưởng lớn. Chính vì vậy, Tân Nhàn muốn kết hợp với anh Trần Mạnh Hùng trong dự án độc đáo này. Tân Nhàn nghĩ, đó là sự lựa chọn tốt nhất để Nhàn có thể gửi tới khán giả một sản phẩm chất lượng mà vẫn giữ nguyên được tinh thần của chèo.
Ca sĩ Tân Nhàn:Mặc dù là một người đam mê với chèo từ nhỏ, nhưng để hát được chèo là một thử thách, nhất là đối với một nghệ sĩ không được đào tạo chèo ngay từ đầu như là Tân Nhàn. Hơn nữa, suốt 10 năm học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, Tân Nhàn được đào tạo kĩ thuật opera với việc vận dụng hơi thở khác hẳn với chèo, vậy nên Tân Nhàn đã phải rất nỗ lực.
Để thuộc giai điệu của một làn điệu chèo cũng đã mất mấy tháng, sau đó phải thu âm nhiều lần mới cho ra sản phẩm giữ được tinh thần của chèo nhiều nhất. Đương nhiên, Nhàn không thể hát chèo được như những nghệ sĩ của loại hình nghệ thuật này nhưng cũng rất hy vọng khán giả sẽ đón nhận những tình cảm của Tân Nhàn.
PV: Ngoài chèo, Tân Nhàn còn hát xẩm với jazz, chắc chắn cách thể hiện sẽ khác?
Ca sĩ Tân Nhàn:Với xẩm, Tân Nhàn cảm thấy dễ hơn một chút. Xẩm là tiếng nói chân thực và đời thường nhất của mỗi một con người chứ không có quá nhiều kĩ thuật khó như chèo. Thực ra xẩm cũng không dễ, nhưng ít nhất không quá nhiều thử thách như chèo. Tân Nhàn cảm thấy tự tin hơn một chút khi thể hiện các bài xẩm trên nền phối khí nhạc jazz của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.
PV: Với “Yếm đào xuống phố”, phải chăng Tân Nhàn có mong muốn đem nhạc truyền thống Việt Nam tiếp cận gần hơn với công chúng trẻ?
Ca sĩ Tân Nhàn:Đây là điều quá to lớn với bản thân Tân Nhàn. Tân Nhàn chỉ nghĩ rằng, với sự cố gắng của mình sẽ “lôi kéo” được khán giả, nhất là khán giả trẻ đến gần hơn với các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Biết đâu một ngày nào đó “Yếm đào xuống phố” sẽ bước ra quốc tế một cách đầy kiêu hãnh và họ nhìn nhận một cách khác hơn về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Mong rằng mỗi chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc truyền thống, bởi nó chính là cái nôi chứa đựng giá trị tinh thần của chúng ta.
PV:Xin cảm ơn ca sĩ Tân Nhàn./.