Là một người đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng với nghệ nhân dân gian Tấn Nhì, ông vẫn nặng lòng với bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử lắm, bởi cuộc đời ông gắn liền với những lời ca, tiếng đờn. Đờn ca tài tử với ông không chỉ giải trí mà còn là những giây phút trải lòng, gửi gắm tâm sự riêng.

Khi nghệ thuật đờn ca tài tử được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đờn ca tài tử đã được khẳng định vị trí của mình trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại. Lo là làm sao để giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật này trong bối cảnh giao lưu và hội nhập như hiện nay. Nhất là khi thị hiếu thưởng thức nghệ thuật cũng như cách thể hiện nghệ thuật đã có nhiều thay đổi.

don_ca_tai_tu_dzon.jpg

Nghệ nhân dân gian Tấn Nhì trăn trở: “Nhận thức về tính chất âm nhạc của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử chưa được thấu đáo nên tạo ra phong cách kỳ quái là đờn phải vô bản trước một vài nhịp rồi ca mới ca theo. Mặc dù soạn giả có viết lời ca để đờn và ca cùng vô một lượt.”

Còn với soạn giả Ngô Hồng Khanh, một người tâm huyết với việc bảo tồn giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử thì điều ông quan tâm là vấn đề dạy và học đờn ca tài tử hiện nay.

Đờn ca tài tử vốn là loại hình nghệ thuật dân gian, vì vậy, loại hình nghệ thuật này được lưu giữ và truyền dạy qua hình thức truyền miệng là chính nhưng không vì thế mà học đờn ca tài tử không có bài bản, lớp lang.

Muốn chơi được đờn ca tài tử người học phải luyện tập rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ truyền, phải rao sao cho mùi sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Thế nhưng, hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh tình trạng các lò đào tạo đờn ca tài tử được mở ra rầm rộ, chất lượng không ai kiểm soát, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật này. Soạn giả Ngô Hồng Khanh nói: “Có nhiều anh học không tới nơi tới chốn, học không thành thài đã ra đi dạy bây giờ dạy tràn lan bởi phong trào tài tử đang nở rộ. điều đó có cái hay nhưng có cái dở. Cái dở là khi anh đào tạo học trò không căn cơ thì ca không căn cơ, chữ đờn không căn cơ, chữ nhạc không căn cơ và đặc biệt trường của anh không căn cơ là rất nguy hiểm.”

Đó là tại các lò đào tạo “tay ngang”, còn tại các trường học, những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đề án “ Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường”, trong đó có bộ môn đờn ca tài tử.

Thế nhưng, bộ môn này cũng chỉ được lồng ghép trong tiết học âm nhạc ở trường với thời gian ít ỏi. Giáo viên giảng dạy thiếu trình độ chuyên sâu đã gây khó khăn cho học sinh trong việc tiếp cận loại hình nghệ thuật này.

Là người phụ trách đề án đưa âm nhạc dân tộc vào trường học tại thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Bùi Anh Tôn thừa nhận: “Hiện nay âm nhạc học sinh học trong nhà trường các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở là rất ít. Tiểu học 35 phút trong một tuần và trung học cơ sở 45 phút. Thì tính từ khi tiếng trống bắt đầu và giáo viên âm nhạc lên lớp trừ thời gian tổ chức chỉ còn 30 đến 40 phút thế thì thời gian học âm nhạc rất ít và học rất nhiều nội dung.”

Hơn nữa, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc giảng dạy đờn ca tài tử là thiếu sự nhất quán trong giáo trình giảng dạy. Là nhà nghiên cứu cũng là người giảng dạy đờn ca tài tử, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Nguyên Phó Trưởng khoa Sau đại học khoa Âm nhạc Dân tộc trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần  đưa bộ môn đờn ca tài tử vào trường học từ những cấp đầu đời chứ không nên đưa ngang vào cấp 2 hay cấp 3 như nhiều loại hình nghệ thuật mà chúng ta đang áp dụng.

Bên cạnh đó, việc đưa nhạc dân tộc vào các trường học cần phải có sự linh hoạt, qua nhiều kênh, để người học tiếp cận từ từ từng bài bản một. Trong các trường cũng nên triển khai các câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử, đầu tư kinh phí cho nhạc cụ, chuyên môn cho người dạy, giáo án dạy phải được thẩm định qua một hội đồng nghệ thuật, tuyển chọn những bài bản căn bản nhất.

Nghệ nhân dân gian Thanh Tùng đề nghị: “Để thống nhất việc dạy và học chúng ta nên mời tất cả các nghệ nhân giỏi rồi các nhà khoa học, các nhạc viện để chúng ta có chung một phương pháp dạy. Chúng ta phải có phân cấp tiểu học, trung học, đại học và chúng ta phải có sách cho từng cấp như vậy chúng ta mời có điều kiện phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử lên được.”

Giữ gìn nghệ thuật đờn ca tài tử giữa bao nhiêu trào lưu văn hóa đang hội nhập là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Dĩ nhiên sẽ chẳng dễ dàng, nhưng với sự quan tâm thiết thực của Nhà nước cùng sự chung tay góp sức của cộng đồng, nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển để khẳng định những giá trị hiện hữu của mình trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.