"Hừng Đông" là tác phẩm khắc họa hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu và các đồng chí, đồng bào của ông giai đoạn 1923 đến 1940. Tác phẩm do NSƯT Triệu Trung Kiên làm đạo diễn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản.

1_45758_ixxa.jpg
Poster của vở cải lương Hừng đông

Phát biểu tại buổi họp báo chiều 4/12 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Báo Văn hóa phối hợp tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ: "Vở cải lương “Hừng Đông” ra mắt công chúng trước thềm Đại hội 12 của Đảng nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, sự phấn đấu, hy sinh to lớn của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú ở một giai đoạn khó khăn, máu lửa của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lời tri ân, lời hứa của thế hệ hôm nay nguyện sống, phấn đấu, lao động, học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ tại buổi họp báo.

“Chúng tôi muốn nói rằng ở một thời đoạn, một giai đoạn lịch sử rất khó khăn của đất nước, của Đảng, của dân tộc thì những người cộng sản vẫn luôn luôn đấu tranh để giải phóng dân tộc. Trong đó có rất nhiều vũ khí và với đồng chí Phan Đăng Lưu thì dùng vũ khí của báo chí, của văn hóa văn nghệ để đấu tranh. Đó là một nét rất độc đáo của người cộng sản Phan Đăng Lưu. Thứ 2, Phan Đăng Lưu là người khi có thể nắm giữ vị trí cao nhất của Đảng thì vẫn tôn vinh đồng chí của mình và sẵn sàng nhận nhiệm vụ nguy hiểm mà mình có thể bị bắt và bị dùng hình”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

“Hừng Đông” khắc họa hình tường người chiến sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu - người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, bản lĩnh, có tầm nhìn xa trông rộng. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, yêu nước, nghĩa tình tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ ông đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái. Phan Đăng Lưu luôn ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.

Họp báo ra mắt vở cải lương "Hừng Đông" .

Ở "Hừng Đông", tác phẩm khắc họa hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu và các đồng chí, đồng bào của ông giai đoạn 1923 đến 1940. Từ lúc Phan Đăng Lưu là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ đến khi ông trở thành nhà hoạt động cách mạng, tham gia Hội Phục Việt, rồi thành Đảng viên Đảng Tân Việt và sau này là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Qua đó, thể hiện tấm gương cộng sản sáng ngời của Phan Đăng Lưu.

Vở kịch được đầu tư công phu với ê kíp thực hiện gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi: Tác giả chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt; đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên; âm nhạc NSƯT Trọng Đài; thiết kế mỹ thuật họa sỹ Doãn Bằng; chịu trách nhiệm cổ nhạc NSƯT Hoàng Đạt, Sỹ Hùng; thể hiện ca khúc NSƯT Mai Hoa và chỉ đạo nghệ thuật Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Nguyễn Xuân Vinh...

Vở diễn sẽ có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Nghệ sĩ Quang Khải sẽ vào vai Phan Đăng Lưu, NS Thu Hiền vào vai Nguyễn Thị Danh, NS Như Quỳnh vào vai Nguyễn Thị Vịnh (Nguyễn Thị Minh Khai)...

Thiết kế sân khấu một cảnh trong vở diễn

Việc thực hiện một vở cải lương có đề tài cách mạng sao cho hấp dẫn, thuyết phục được khán giả là một điều hết sức khó khăn. Để giữ được chân khán giả, đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết anh đã bàn bạc với tác giả kịch bản và ê kíp sáng tạo để có sự phá cách bằng việc đan xen, trộn lẫn nhiều loại hình nghệ thuật với nhau. Anh đã mời các bạn trẻ của Câu lạc bộ Nghệ thuật HUB tham gia. Đây là một nhóm bạn trẻ thế hệ 9x chuyên biểu diễn các loại hình nghệ thuật đường phố rất trẻ trung, sôi động. Với sự “phá cách” này, đạo diễn hy vọng sẽ tạo ra được sự mới mẻ, sinh động, thuyết phục người xem.

 Tác phẩm sẽ ra mắt khán giả Thủ đô ngày 7, 8, 9/01 tới đây tại rạp Hồng Hà và sẽ ghi hình phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam./.