Là công dân Việt Nam, là những con người yêu chuộng hòa bình và thấm thía giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay, mỗi văn nghệ sĩ khu vực ĐBSCL cũng hòa chung nhịp thở của toàn dân, hướng về biển đảo, kết nối tình yêu nước thành sức mạnh bằng những tác phẩm nghệ thuật nối trái tim đến trái tim mọi người.

Những bức ký họa từ Trường Sa

Mới đây nhất, từ ngày 15- 25/5, họa sĩ Dương Quản Đại của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp có chuyến tháp tùng theo Đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp đến thăm Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/21. Bằng trái tim và cảm nhận của một nghệ sĩ, họa sĩ Dương Quảng Đại đã tận dụng mọi thời khắc có thể trong chuyến đi để sống và thu vào tầm mắt mình những ấn tượng về cảnh sắc cuộc sống và trải nghiệm cùng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo.

7.jpg
Hòa chung nhịp thở của toàn dân, hướng về biển đảo, các văn nghệ sĩ ĐBSCL kết nối tình yêu nước thành sức mạnh bằng những tác phẩm nghệ thuật nối trái tim đến trái tim mọi người (Ảnh minh họa: Quang Trung)

Ngay sau chuyến đi, anh đã gửi các bức tranh ký họa cho trang Văn nghệ Đồng Tháp để giới thiệu cùng mọi người một phần cảm nhận biển đảo của anh trong những ngày đến thăm Trường Sa. Đó là những bức ký họa bằng bút sắt về Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở đảo Trường Sa, về cảnh sắc trên Đảo Đá Tây C, Đảo Đá Lát, Đảo Thuyền Chài C, về ngọn Hải đăng đảo An Bang, Nhà Khách Thủ đô ở đảo Trường Sa và Góc đảo An Bang… Đơn sơ và thanh bình, thân thương như một góc làng quê nơi đất liền… là cảm nhận chung của nhiều người khi xem ký họa.

Còn tác giả thì cho biết, được đến với Trường Sa là một vinh dự. “Lần đầu đến với Trường Sa, tôi rất xúc động. Ở Trường Sa, mỗi người dân cũng như là những chiến sĩ, cũng phải làm nhiệm vụ, thậm chí có thể hy sinh. Tôi ký họa và chụp nhiều ảnh. Từ những bức ký họa này tôi sẽ vẽ một bức tranh để tham dự triển lãm ĐBSCL năm 2014 vào tháng 8 này. Đó cũng là nguồn cảm hứng để tôi vẽ nên những bức tranh tiếp theo” – họa sĩ Dương Quản Đại nói.

Bút ký “Kể con nghe chuyện Trường Sa”

Không phải đến bây giờ, văn nghệ sĩ ĐBSCL mới sáng tác về biển đảo, cảm nhận của họ ở thời khắc nào khi đứng trước biển, trước cảnh sắc trời mây nối nhau và cuộc sống của cư dân miền biển, của người giữ biển bao giờ cũng thiết tha với nhiều rung động. Hầu hết văn nghệ sĩ ĐBSCL đều mong muốn có những chuyến đi trải nghiệm và sáng tác về các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Nhiều tác phẩm ảnh, tranh nghệ thuật, thơ, nhạc và bút ký của họ viết về Trường Sa dù đoạt giải hay không đoạt giải cũng để lại những ấn tượng khó phai. Bút ký “Kể con nghe chuyện Trường Sa” của Đỗ Thùy Mai đoạt giải nhất cuộc thi báo chí Trần Ngọc Hy tỉnh Cà Mau là ví dụ trong hàng ngàn tác phẩm như thế.

Nói về ấn tượng Trường Sa trong tác phẩm của mình, nhà báo – tác giả Đỗ Thùy Mai chia sẻ suy nghĩ: “Cảm xúc trong tôi tự trào dâng rồi cứ thế tuôn ra. Tôi viết câu chuyện y như lúc nói cho con nghe như vậy”.

Văn nghệ sĩ đau đáu những sáng tác về biển đảo

Nhiều Hội VHNT địa phương như Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau thường tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác về biển đảo Tây Nam cho văn nghệ sĩ. Và sau mỗi chuyến đi ấy, bao giờ cũng có nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại: thơ, ca khúc, tranh, ảnh nghệ thuật, bút ký và truyện ngắn viết về đề tài biển đảo hay được giới thiệu đến đông đảo công chúng trong đất liền.

Nhà điêu khắc Hứa Văn Chiến của tỉnh Vĩnh Long cho biết, những chuyến đi biển đảo biên giới Tây Nam luôn mang lại nhiều cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ trong tỉnh:

“Năm nay, Hội VHNT có chuyến đi thực tế ở đảo Phú Quốc, Gành Dầu, số lượng hội viên đi khoảng 35 người, trong đó gồm 6 chuyên ngành. Trong vòng 7 ngày, anh em sáng tác tại chỗ, tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh khoảng 300, sân khấu 3 bài, âm nhạc 2 bài, văn học thơ và văn xuôi khoảng 5 bài. Kết quả của chuyến đi ấy, chúng tôi đã triển lãm tại xã Gành Dầu của huyện Phú Quốc. Cái mới của Hội năm nay là đưa diễn viên đi dàn dựng, báo cáo tác phẩm sân khấu sâu hơn” – ông Hứa Văn Chiến nói.

Ở thời điểm này, các văn nghệ sĩ ĐBSCL vẫn đang đau đáu những cảm xúc sáng tác về biển đảo để nối gần hơn trái tim người giữ biển với đất liền, truyền ngọn lửa của niềm tự hào và tình yêu một phần máu thịt tổ quốc đến cho mọi người.

Tác phẩm và lao động nghệ thuật nghiêm túc của những văn nghệ sĩ ĐBSCL đang góp phần hướng công chúng thưởng thức quan tâm hơn đến đảo xa, ý thức hơn về chủ quyền biển đảo và trách nhiệm của những người đang sống với quân, dân biển đảo./.