UBND huyện không có hồ sơ quản lý đình Cựu Quán

Liên quan tới sự việc mua bán gỗ sưa ở đình Cựu Quán (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), Sở VHTT&DL Hà Nội đã ban hành văn bản số 603 đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng của Sở phối hợp với UNBD xã Đức Thượng để nhanh chóng chấn chỉnh các sai phạm và có hình thức xử lý thích đáng với các cá nhân vi phạm. Sau đó, UNBD xã Đức Thượng sẽ phải gửi báo cáo về kết quả xử lý lên UBND thành phố Hà Nội vào trước ngày 15/3/2014.

Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL khẳng định đến thời điểm này, đình Cựu Quán và chùa Nội An chưa được xếp hạng chính thức là di tích lịch sử - văn hóa, mà mới chỉ nằm trong danh sách kiểm kê di tích. Vì thế, đình và chùa được UBND huyện Hoài Đức quản lý trực tiếp theo phân cấp tại QĐ số 11/2011/QĐ ngày 2/3/2011 của UBND thành phố Hà Nội.

go%20sua%20ava.jpg
Đình Cựu Quán và chùa Nội An đều chưa phải di tích được xếp hạng

Nhưng trả lời báo chí vào chiều ngày 6/3, ông Đỗ Văn Thúy – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, đại diện cho UBND huyện Hoài Đức phủ nhận: “Về các di tích chưa được xếp hạng, như đình Cựu Quán, chùa Nội An, chúng tôi không có hồ sơ quản lý trực tiếp mà chỉ có hồ sơ khái lược. Những di tích chưa được xếp hạng thì thuộc về quản lý của từng địa phương, cụ thể là ở từng xã, thôn. Do đó, UBND huyện Hoài Đức không có hồ sơ quản lý đình Cựu Quán, chùa Nội An!”.  

Một phần tiền bán gỗ sưa nằm ở ngân hàng của huyện

Trước đó, ông Trần Văn Thảo – Trưởng công an xã Đức Thượng cũng xác nhận đã lấy lời khai của 6 cán bộ tham gia bán gỗ cho Ni sư Thích Nữ Diệu Bản, trụ trì chùa Nội An, bao gồm: ông Nguyễn Phú Ngà - Bí thư chi bộ thôn Cựu Quán, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đức Thượng; ông Nguyễn Phú Lực – Phó Bí thư chi bộ Trưởng thôn Cựu Quán; ông Nguyễn Ích Chắt – Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, Trưởng Ban Khánh tiết; ông Nguyễn Ích Bạ - Phó ban Khánh tiết; ông Nguyễn Hữu Thắng – người trông coi khu vực thờ tự chính của đình Cựu Quán; và ông Đàm Văn Sáu – Hội viên Hội người cao tuổi thôn Cựu Quán.

Hồ sơ điều tra sự việc tiếp tục được gửi lên công an huyện Hoài Đức. Nhưng ban đầu, các cán bộ của Ban quản lý vẫn tỏ ra khá mập mờ trong việc đối chất với người dân của thôn Cựu Quán. Theo kết quả điều tra gần nhất của công an huyện, 127,5 kg gỗ sưa, ngoài 7,5 kg rác, còn lại là 120 kg gỗ được bán với giá 1,2 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Ích Bạ đã khai có 700 triệu đồng được gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Đức. Ngoài ra, số tiền 500 triệu đồng được dùng để mua ruộng gần chùa và đồ gỗ sửa lại mái vảy của đình Cựu Quán. Hiện, công an huyện Hoài Đức đã phối hợp với công an xã Đức Thượng và tạm giữ một quyển sổ tiết kiệm của ông Nguyễn Ích Bạ, trị giá 500 triệu đồng.

“Phải xử nghiêm theo pháp luật”

Đến nay, phía công an huyện Hoài Đức khẳng định là vẫn đang điều tra để xác nhận mục đích, động cơ của việc mua bán gỗ. Đồng thời, công an huyện cũng đang phối hợp điều tra để tìm ra những người lạ đã đe dọa và ép Ni sư Thích Nữ Diệu Bản bán lại gỗ.

Ông Đỗ Văn Thúy, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, UBND huyện Hoài Đức

Bên cạnh đó, về cá nhân Ni sư Thích Nữ Diệu Bản, ông Đỗ Văn Thúy, đại diện phía UBND huyện Hoài Đức cũng khẳng định: “Theo phân cấp quản lý, muốn hoạt động tu bổ, tháo dỡ di tích đình, đền thì đều phải xin phép xã. Nhưng nhà sư thì lại nói là không biết việc đã làm là cấm và không biết đến quy định này. Hơn nữa, tôi muốn xác nhận việc mua bán để phục vụ cho dự án tu bổ, mở rộng khuôn viên đình như các cá nhân đã nói là không hề có, vì dự án này chưa hề có phát ngôn chính thức từ UBND huyện”.

“Nếu muốn tu bổ, tôn tạo di tích, các cá nhân đáng lẽ phải có báo cáo đề nghị lên phía quản lý của thôn, tới xã rồi tới huyện. Sau đó, còn phải tham mưu qua các văn bản, nguồn vốn được cung cấp cho việc tu bổ có thể sẽ được nhận từ ngân sách Nhà nước. Tôi khẳng định chắc chắn là trong vòng gần 8 năm qua, UBND huyện Hoài Đức chưa nhận được một báo cáo nào về tình trạng xuống cấp và đề nghị tu bổ của đình Cựu Quán, cũng như chùa Nội An. Vì vậy, các cá nhân tham gia trong vụ việc cần phải bị xử nghiêm theo pháp luật!”.

Hiện tại, công an cùng UBND huyện Hoài Đức cho biết sẽ lưu ý ngăn chặn các hành vi gây rối, mất trật tự an ninh ở địa phương. UBND huyện cũng gửi văn bản yêu cầu xã Đức Thượng phải có trách nhiệm bảo đảm hiện trường ở đình Cựu Quán và nhanh chóng tìm phương án khắc phục, trả lại cấu kiện cho đình./. >>Nguy cơ từ vụ dỡ đình bán gỗ sưa đến "quái thú" vào lăng Vua>> Nhà sư mua gỗ sưa đã bán lại cho người lạ mặt