Với những người đam mê hội họa, chẳng ai vẽ Hà Nội chỉ bằng những xúc cảm đơn thuần. Với một đề tài rộng lớn như thế, càng đi sâu khai thác càng thấy mênh mông, vô tận thì chỉ một vài nét bút, hay dù là cả hàng chục, hàng trăm tác phẩm vẽ Hà Nội cũng chỉ là những góc nhìn, chưa thể bao quát hết những vẻ đẹp của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Thế nhưng, cũng có những người, bằng tài năng hội họa của mình, đã góp phần khắc họa nên dáng hình của mảnh đất kinh kì trải dài từ quá khứ đến hiện tại, từ cách nhìn bao quát đến cụ thể và bằng những phong cách riêng.

Thể hiện được hồn cốt của thủ đô Hà Nội những năm 1950 - 1970 của thế kỉ trước, có lẽ không ai qua được cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Sinh thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái từng viết: “Hà Nội có rất nhiều vẻ đẹp, mà mỗi vẻ đẹp lại thích hợp với mỗi người. Phố cổ, những căn nhà cổ vào tranh rất đẹp. Nhịp điệu của nó không đều đều như những căn nhà cao tầng, nhà lắp ghép. Có cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ cái lùi vào, cái nhô ra”.

tranh_pho_0_hmbx.jpg
Một tác phẩm tranh phố cổ của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái

Cũng bởi cảm nhận được nét thâm trầm, loang lổ của màu thời gian trên từng bức tường, ngõ phố, Bùi Xuân Phái đã thêm vào trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, tạo nên những vẻ đẹp bất ngờ. Mặc dù trong sự nghiệp hội họa của mình, ông còn vẽ cả đề tài chèo, tĩnh vật nhưng người xem vẫn mặc định Bùi Xuân Phái là họa sĩ chuyên vẽ phố cổ Hà Nội. Trong những năm khó khăn, Bùi Xuân Phái đã vẽ lên tất cả những gì có thể vẽ được. Ông vẽ lên cả giấy báo, vỏ bao thuốc lá…  Kết quả là để lại cho Hà Nội một di sản: tranh phố Phái với những khoảnh khắc, nhịp điệu riêng của cuộc sống.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái cho biết: “Riêng về phố, về trang phục của những người đi trên phố, giới chuyên môn có thể căn cứ vào đấy để khẳng định tác phẩm được vẽ vào năm nào. Chẳng hạn, nhìn dáng của những người cầm ô, mặc áo dài thì có thể khẳng định tác phẩm là từ những năm 1960 trở về trước. Có những hố đen trên vỉa hè, cụ miêu tả đó là những cái hầm tăng-xê, có báo động để người ta mở nắp ra và nhảy xuống hố trên vỉa hè đó”.

Từ những nét thâm trầm, cổ kính, rêu phong đó, Hà Nội trong con mắt nghệ sĩ hôm nay đã có đôi phần khác biệt. Với một người con xa quê hương như họa sĩ Nguyễn Trường (còn gọi là Etcetera Nguyễn), dù đó là bức vẽ lớn hay chỉ đơn giản là những nét trực họa nhanh chóng trong cuốn sổ tay, tranh của anh vẫn hội đủ vẻ nhộn nhịp của phố Hà Nội.

Tranh vẽ phố Hà Nội của họa sĩ Nguyễn Trường với những sắc màu hiện đại 

Có người nói, tranh của Nguyễn Trường có hơi hướng giống tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhưng Hà Nội hiện lên trong tranh của Nguyễn Trường lại tập hợp nhiều hình ảnh của cuộc sống đương đại, một Hà Nội được diễn tả theo hiện thực khiến người xem dễ nhận ra những nơi chốn quen thuộc. Từ những góc phố, con đường, cái nhìn của anh tỉ mỉ theo từng trụ điện, từng bảng hiệu, chiếc xe gắn máy hay một gánh hàng rong bằng nhiều gam màu nổi trội, phong phú. Nguyễn Trường quan sát Hà Nội bằng con mắt của một người con xa xứ muốn ôm tất cả quê hương vào lòng. 

Công việc của một nhà báo lại càng cho anh nhiều chất liệu hiện thực nên không thể chỉ là sự hình dung hay hoài niệm về Hà Nội phố. “Tôi muốn vẽ một Hà Nội đầy đủ, có thể rất chi tiết. Dĩ nhiên, tôi có đọc về Bùi Xuân Phái, xem tranh Bùi Xuân Phái, nhưng tôi cố gắng chọn cho mình một góc nhìn về Hà Nội như một người bên ngoài, đứng xa, khao khát tìm hiểu văn hóa sâu sắc của những bậc tiền bối đi trước”, họa sĩ Nguyễn Trường chia sẻ.

Hà Nội càng chân thực hơn trong mắt người xem khi người họa sĩ hôm nay dành phần nhiều xúc cảm để phản ánh những vấn đề đương đại. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân, tác giả của 3 triển lãm tranh “Vắt qua phố” (2007), “Phố” (2012) và “Ngõ” (2013) đã đem lại cho người xem nỗi ám ảnh khi bước qua mỗi con phố, ngước nhìn lên trên không, nào là dây điện chằng chịt, nào là đèn tín hiệu giao thông, loa phát thanh phường... Đó là một Hà Nội độc đáo, thô ráp nhưng lãng mạn giữa thời buổi đô thị hóa.

Để vẽ được tranh dây diện trên chất liệu sơn dầu, trong suốt 8 năm qua, Nguyễn Ngọc Dân đã phải tìm ra các thủ pháp, khí cụ, dụng cụ khác, thậm chí cả dao, dĩa, cả đũa ăn cơm và nhiều thứ khác. Anh cũng không chỉ dừng lại ở vẽ tranh mà còn làm sắp đặt, trình diễn, cả điêu khắc liên quan đến đề tài phố dây điện theo ý tưởng cá nhân. Đối với Nguyễn Ngọc Dân, đây là đề tài đa chiều, khiến cảm thấy “thoát” hơn, có nhiều cảm hứng hơn, không bị bế tắc.

Hình ảnh dây điện chằng chịt tại Hà Nội trong tranh của Nguyễn Ngọc Dân

Có thể, 10 hay 20 năm nữa, hệ thống dây điện của Hà Nội được ngầm hóa thì những bức tranh của Nguyễn Ngọc Dân sẽ là hình ảnh của một thời đã qua. Còn hiện tại, chừng nào Hà Nội còn dây điện, tức là còn ngổn ngang trong quá trình hiện đại hóa thì chừng đó, những ưu tư về Hà Nội trong Nguyễn Ngọc Dân vẫn chưa thể nguôi ngoai: “Hà Nội ngàn năm văn hiến, đa dạng như các nhà nghiên cứu thường nói là nơi hội tụ và tỏa sáng. Còn riêng tôi, Hà Nội có quá nhiều kỉ niệm. Nhưng ấn tượng về Hà Nội chính là sự đa dạng văn hóa, đa dạng về con người. Như góc nhìn của tôi, hình ảnh dây điện mang nhiều yếu tố của thời đại và còn rất nhiều ngổn ngang, bề bộn mà trong sự phát triển, cần phải có sự để tâm, để ý và quy hoạch cho tốt hơn”.

Cũng bởi Hà Nội phong phú, đa dạng về văn hóa và con người nên với người họa sĩ, Hà Nội không chỉ là nơi nuôi dưỡng cảm xúc, hơn thế, họ yêu Hà Nội và truyền tình yêu đó cho mỗi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay phải sống xa quê hương, bằng việc gìn giữ những nét xưa cũ. Họ cũng biết làm cho Hà Nội hiện đại hơn bằng trí tưởng tượng, sức sáng tạo của mình. Tiếng nói của họ về một Hà Nội đổi thay từ quá khứ đến hiện tại cũng cần lắm để mỗi người có thể tự soi mình qua mỗi bức tranh./.