Cứ mỗi dịp thu về, khi cả nước kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 8 – 19/8, ngày Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm ngày thành lập Đài TNVN, Nhà hát Đài TNVN tổ chức chương trình ca nhạc nghệ thuật với tên gọi “Tiếng hát Việt Nam”. Đây là chương trình được tổ chức thường niên, đến nay đã là năm thứ 4 “Tiếng hát Việt Nam” đến với khán giả.

Năm nay, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Đài, Nhà hát tổ chức chương trình với chủ đề: “Rừng và biển đảo Tổ Quốc”. Những ca khúc trong đêm nghệ thuật đều tập trung ca ngợi vẻ đẹp biển đảo, quốc gia và người chiến sĩ. Chương trình sẽ được chia làm 2 mảng là mảng ca khúc mới và mảng ca nhạc dân tộc (âm nhạc chính thống). Trong đó, có những ca khúc đã hết sức quen thuộc với khán thính giả cả nước như “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Rừng chiều”, “Nơi đảo xa”… Các ca khúc này sẽ được dàn nhạc Đài TNVN hòa âm phối khí lại. Bên cạnh đó, cũng có những ca khúc được thu thanh hoàn toàn mới như “Ấm tình hải đảo quê hương” của tác giả Xuân Mật hay “Biển và em” của nhạc sĩ Phạm Tuyên…

Toàn bộ mảng nhạc truyền thống sẽ có dàn nhạc dân tộc đệm trực tiếp và hát sống. Sẽ có rất nhiều chất liệu âm nhạc dân tộc được trình diễn như chèo, vè Huế, cải lương, dân ca… Năm nay lựa chọn chủ đề “Rừng và biển đảo Tổ Quốc” vì nhà hát Đài là đơn vị trực thuộc Đài TNVN – cơ quan ngôn luận của Đảng, ngoài tiêu chí nghệ thuật thì tiêu chí về mặt chính trị cũng rất quan trọng. Hiện giờ, cả nước đang hướng về biển đảo, nơi đầu sóng ngọn gió và xa xôi nhất đất nước. Âm nhạc nghệ thuật cũng hướng về những chiến sĩ, những người dân ở nơi gió cát ấy.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên (Nhà hát Đài TNVN) chia sẻ: “Kỳ thực, để đưa được dàn nhạc lên sân khấu biểu diễn cũng rất khó khăn; phụ thuộc vào nhiều yếu tố như âm thanh, trang thiết bị, thời gian luyện tập để cho hòa hợp giữa khí nhạc và thanh nhạc… Mỗi lần tổ chức chương trình là phải huy động toàn bộ nhà hát. Với chương trình “Tiếng nói Việt Nam”, nhân viên nhà hát đã bắt đầu tập luyện từ cách đây cả tháng. Sau đó sẽ diễn tập, tổng duyệt và thử sân khấu”.

tienghat2.jpg
Nhạc sĩ Doãn Nguyên

Điểm nhấn của “Tiếng hát Việt Nam” lần này là sự tham gia của các nghệ sĩ từ Đài phát thanh Myanmar. Sự giao lưu nghệ thuật này rất có ý nghĩa trong thời đại phát thanh toàn cầu, tăng cường được tình đoàn kết và có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

NSƯT Văn Chương, người cũng sẽ tham gia vào chương trình “Tiếng hát Việt Nam 2012”, chia sẻ: “Trước sự đổi thay của đất nước, người dân được sống ấm no thì sẽ nghĩ đến công ơn của Đảng, Bác. Những ca khúc trong chương trình sẽ nói lên tình cảm, tâm tư của người dân quê Việt Nam với Đảng, Bác. Là một nghệ sĩ biểu diễn, thu thanh và làm công tác quản lý phòng nghệ thuật, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được phân công một ca khúc trong chương trình nghệ thuật lớn này”.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên cũng cho biết thêm: “Thường, một năm, nhà hát Đài tổ chức được 3-4 chương trình nghệ thuật lớn như ‘Tiếng hát Việt Nam’. Để tổ chức được chương trình thì ngoài nhân viên nhà hát, còn phải kể đến sự giúp đỡ của lãnh đạo, các ban phòng trong Đài, nhằm mang đến cho khán thính giả thứ âm nhạc chính thống trong thời đại âm nhạc thị trường tràn lan. Đó cũng là nỗ lực của chúng tôi, nhằm định hướng về thẩm mỹ âm nhạc và văn hóa nghe nhạc cho khán thính giả”.

Bất kỳ một nền âm nhạc cũng phải bao gồm 2 yếu tố cơ bản là thanh nhạc và khí nhạc. Hiện tại, âm nhạc của Việt Nam quá nặng về thanh nhạc mà bỏ quên mảng khí nhạc. Khi mà đẩy mạnh được khí nhạc (hay còn gọi là nhạc không lời) thì lúc đấy nền âm nhạc mới vững vàng, mới là “đi hai chân”. Nhà hát Đài TNVN đã chủ động sáng tác những tác phẩm khí nhạc phục vụ cho việc phát thanh và đưa ra ý tưởng về việc đưa nhạc không lời bán cổ điển trên sóng phát thanh. Riêng về mặt thanh nhạc, việc đưa các thể loại như chèo, cải lương, vè Huế, dân ca… vào biểu diễn là một trong những nhiệm vụ mà nhà hát Đài TNVN muốn thực hiện nhằm khiến nó trở nên gần gũi hơn với khán giả.

Chương trình “Tiếng hát Việt Nam” với chủ đề “Rừng và biển đảo Tổ Quốc” sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 7/9/2012 tại Nhà hát Đài TNVN (58 Quán Sứ, Hà Nội)./.