Bắt đầu từ ngày 1 - 6/4, tại tỉnh Phú Thọ sẽ diễn ra các hoạt động giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017.

Tỉnh Phú Thọ đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện quy mô lớn sắp tới? Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Trưởng Ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương 2017.

vov_ha_ke_san_ceqz.jpg
Ông Hà Kế San-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ về công tác chuẩn bị Lễ hội Đền Hùng 2017

PV:Thưa ông, đến giờ phút này, tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị như thế nào cho Lễ hội Đền Hùng năm 2017? 

Ông Hà Kế San:Đến giờ phút này, công tác chuẩn bị cho giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017 cơ bản đã hoàn tất. Kế hoạch, kịch bản của phần lễ cũng như các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... đều đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, các phương án đảm bảo an ninh trật tự, công tác quản lý lễ hội đều sẵn sàng để khai Hội vào ngày mùng 5/3 âm lịch (1/4/2017).

PV:Ông có thể cho biết những điểm mới trong lễ hội năm nay? 

Ông Hà Kế San:Năm nay chúng tôi sắp xếp thời gian lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức nghi lễ dâng hương ở tại Đền Thượng sớm hơn 1 tiếng. Mục đích nhằm tạo thuận lợi cho đồng bào khi về dâng hương vào ngày giỗ Tổ không bị ùn tắc.

Về phần hội, năm nay có một vài điểm khác. Thứ nhất là lễ hội dân gian đường phố ở thành phố Việt Trì và Hội thi bơi Trải trên hồ khu Văn Lang, không chỉ có các đơn vị thuộc thành phố Việt Trì mà có các địa phương khác tham gia.

Bên cạnh đó là chương trình nghệ thuật vào tối thứ Bảy (ngày 5/3 âm lịch), chúng tôi có mời tỉnh Thái Bình và thành phố Hà Nội cùng tham gia để giới thiệu các di sản được UNESCO vinh danh ở các địa phương. Ngoài ra, một loạt các hoạt động như hội chợ Hùng Vương, trưng bày sinh vật cảnh, hội trại văn hóa, thi hát Xoan và dân ca Phú Thọ... rất nhiều hoạt động sẽ trải dài suốt từ thành phố Việt Trì đến Đền Hùng, biến nơi đây thành một không gian nhằm phục vụ tốt nhất cho đồng bào cả nước khi đến với Đền Hùng.

Công tác đảm bảo an ninh luôn là nhiệm vụ khó khăn mỗi dịp giỗ tổ Hùng Vương (Ảnh minh họa: KT)

PV: Để tạo sự thoải mái cho du khách, tại Lễ hội Đền Hùng năm nay, các tệ nạn như ăn xin, cờ bạc được Ban tổ chức quan tâm, xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Kế San: Trước hết, chúng tôi rất cảm ơn đồng bào cả nước và các cơ quan trung ương đã giúp Phú Thọ tổ chức Lễ hội Đền Hùng khá thành công trong những năm qua. Có thể nói đây là một trong những lễ hội được đánh giá mẫu mực trong cả nước.

Năm nay, chúng tôi phấn đấu thực hiện 5 không: Không có người ăn xin, ăn mày; không có tình trạng ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng giá cả, dịch vụ mang tính “chặt chém” du khách; không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm và thứ năm là tránh những hành vi phản cảm xảy ra trong lễ hội.

Để làm được việc này, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng những phương án rất chi tiết. Bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng người. Hàng ngày, Ban tổ chức sẽ giao ban và lắng nghe ý kiến từ các cơ quan báo chí và người dân để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Mỗi người dân Phú Thọ cũng phải cố gắng tạo hình ảnh thân thiện đối với du khách khi về Phú Thọ.

 PV:Với quy mô là lễ hội mang tính quốc gia, sẽ rất đông đồng bào đến với Phú Thọ, vậy công tác an ninh trật tự sẽ được đảm bảo như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Kế San:Đây là nhiệm vụ khó khăn và nặng nề nhất trong lễ hội bởi vì một lễ hội thành công trước hết phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối. Chúng tôi xác định là phải có một sự tham gia đông đảo từ các lực lượng công an, quân đội của tỉnh cũng như là hỗ trợ của Quân khu 2, lực lượng bảo vệ Đền Hùng, lực lượng của các xã trong vùng ven. Phải đảm bảo phân luồng xe từ xa để tránh những ùn tắc gây ức chế ngay từ đầu.

Chúng tôi phấn đấu như các năm là bao giờ giỗ tổ Hùng Vương cũng là sự kiện an toàn, thuận lợi nhất cho đồng bào khi đến với Phú Thọ.

PV: Xin cảm ơn ông./.