Giá bán từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/chiếc, song nguyên liệu các sản phẩmbánh trung thu trên thị trường chỉ quanh đi quẩn lại bột nếp, bột mỳ, đỗ, hạt sen, hạt dẻ, trứng mặn… Với mức “một vốn bốn mươi lời” như vậy, không khó hiểu khi các doanh nghiệp lao vào giành giật thị trường này!
Bánh giá “khủng”, “một vốn bốn mươi lời”
Mới giữa tháng 7 âm lịch, song bánh trung thu đã tràn ngập thị trường, từ sảnh các khách sạn 4-5 sao đến hệ thống siêu thị tới các cửa hàng bánh kẹo nhỏ lẻ khắp hang cùng ngõ hẻm tại Hà Nội. Giá bán các sản phẩm có sự chênh lệch rất lớn, từ vài chục nghìn/chiếc đến cả triệu đồng/chiếc.
Đứng đầu về sự đắt đỏ trên thị trường hiện nay là bánh Luxury 1 do Khách sạn Daewoo rao bán với giá 13,6 triệu đồng/hộp (gồm 6 hộp bánh trung thu và một chai rượu Macallan 18, trong đó, giá bán một chai rượu Macallan 18 trên thị trưởng hiện nay khoảng 5 triệu đồng). Như vậy, mỗi chiếc bánh trung thu của Khách sạn Daewoo có giá 1,2 - 1,3 triệu đồng! Cũng khách sạn này tung ra một số sản phẩm như Luxury 2 giá gần 2,5 triệu đồng/hộp (gồm 6 bánh Trung thu và một chai rượu Chivas 12, giá 500.000 -600.000 đồng); Luxury 3, Luxury 4, Premium, Deluxe dao động từ 860 nghìn đến 2,36 triệu đồng/hộp.
Cửa hàng bán bánh trung thu mọc lên nhan nhản trên đường, nhiều cửa hàng lấn chiếm vỉa hè. (Ảnh minh họa: KT). |
Các khách sạn, công ty thực phẩm, bánh kẹo khác cũng không kém cạnh về cách thức quảng cáo với những tên gọi “hoành tráng” đi kèm với mức giá giật mình. Như Khách sạn Hà Nội với sản phẩm Vương Kim Tri Ngộ 30 giá 12,4 triệu đồng/hộp, gồm bốn bánh trung thu 125 g và một chai rượu Ballantine’s 30 (xấp xỉ 5 triệu đồng/chai), nghĩa là mỗi chiếc bánh gần 2 triệu đồng. Các sản phẩm khác như Mẫu đơn kết nguyệt, Hương nguyệt kim thu, Thất sao thương nguyệt (không bán kèm rượu) cũng đều có giá bán trên 1 triệu đồng/hộp và đây cũng là mức giá trung bình tại nhiều khách sạn lớn.
Hãng Kinh Đô quảng bá một loạt sản phẩm như: Kim Cương Trường Khang, Bạch Kim Đắc Lộc, Hoàng Kim Vinh Hiển… giá từ 1,1- 3 triệu đồng/hộp. Bánh Thăng Long Đế Nguyệt hay Nguyệt Vương Tri Ngộ của hãng Hữu Nghị từ 1 triệu đồng đến gần 2,7 triệu đồng/hộp. Các loại bánh lẻ của các hãng này được coi là “bình dân” cũng có giá hàng trăm nghìn đồng/chiếc…
“Nguyên liệu bánh trung thu muôn đời nay, vỏ bánh nướng làm bằng bột mỳ, vỏ bánh dẻo là gạo nếp. Phải chăng các nhà sản xuất bánh nói trên độn nhân vi cá mập, tổ yến vào nhân hay dát vàng vào vỏ, hộp mà bánh đắt kinh khủng như vậy?”, chị Lưu Thu Hà, giáo viên mầm non tại Thanh Xuân đặt câu hỏi.
Bánh trung thu trong quan niệm truyền thống người Việt là vật phẩm phục vụ tín ngưỡng tâm linh, là đồ lễ. Do đó, trước đây, khi trao đổi, mua bán bánh Trung thu người ta quan niệm không được trả giá hoặc đặt nặng tính thương mại.
Tuy nhiên, gần đây, giá nhiều loại bánh trung thu bị đẩy lên rất cao, song chất lượng so với bánh truyền thống không khác nhau là mấy. Điều đáng nói là giá trị truyền thống của bánh trung thu bị lệch đi rất nhiều. Nó không còn là đồ cúng lễ mà trở thành vật phẩm biếu xén”.
Trước băn khoăn này, PV gọi điện thoại đến đường dây nóng Khách sạn Daewoo (0904332887) thì được nhân viên xưng tên Long cho biết, bánh trung thu Luxury do khách sạn này sản xuất, thành phần gồm hạt sen, hạt dẻ, cốm, khoai môn và trứng. Tuy nhiên, khi hỏi tại sao giá bán lại cao thế thì anh này không trả lời mà chỉ nói nếu khách mua sẽ được giảm giá 20%. Tương tự, qua đường dây nóng của Khách sạn Hà Nội (0983213910), nhân viên bán hàng cho biết, thành phần nhân bánh của nhà sản xuất này chỉ bao gồm nhân sen trắng và lòng đỏ trứng mặn. Anh này đon đả, nếu mua với số lượng lớn từ 10 hộp trở lên sẽ được giảm giá.
Móc túi “thô bạo” người tiêu dùng
Chị Lưu Thu Hà bất ngờ: “Với những thành phần đó, giá thành nguyên liệu mỗi chiếc bánh giỏi lắm 15.000 - 20.000 đồng/chiếc loại 100 - 200 g”. Với kinh nghiệm vài năm làm bánh trung thu, chị Hà tính toán: Mỗi chiếc bánh nướng (loại 100 g) chỉ cần 20 g bột mỳ làm vỏ (15.000 đồng/kg bột mỳ); 50 - 60 g nhân (nhân nhuyễn gia bán sẵn 70.000 - 80.000 đồng/kg; Nhân thập cẩm bán sẵn 180.000 đồng/kg). Bánh dẻo chỉ cần 50 g bột nếp làm vỏ (55.000 đồng/kg bột), nhân cũng giống như bánh nướng. “Tôi vừa làm một mẻ 20 chiếc bánh các loại biếu hai bên gia đình, tính chi phí nguyên liệu hết chưa đầy 200.000 đồng. Cẩn thận thì mua thêm khay, túi dán, hút ẩm chỉ 1.500 đồng/chiếc để bảo quản lâu hơn, cộng thêm vỏ hộp 15 - 20 nghìn đồng là có một hộp bánh rất đẹp mà yên tâm về chất lượng”, chị Hà khoe.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cũng bức xúc: “Giá bán đắt như vậy là một hình thức móc túi người tiêu dùng!”. Cũng theo ông Phú, các loại bánh này được quảng cáo là sử dụng công nghệ nước ngoài nhưng thực chất sản xuất tại Việt Nam. Mặc dù giá là do thỏa thuận, song các cơ quan chức năng vẫn cần kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ đó có thể xử phạt nếu chất lượng không như quảng cáo. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có trường hợp nào bị kiểm tra, xử phạt như vậy.
Với mức chênh lệch “một vốn bốn mươi lời”, không có gì khó hiểu khi các doanh nghiệp đua nhau giành giật thị trường béo bở này. Như Tập đoàn Kinh Đô (KDC) sản lượng bánh trung thu tăng mạnh hằng năm, từ mức 1.900-2.000 tấn năm 2010-2011 đã tăng lên 3.000 tấn vụ 2015 (tương ứng 30 triệu chiếc bánh trung thu 100 g).
Trong báo cáo phân tích về cơ hội đầu tư cổ phiếu Tập đoàn Kinh Đô năm 2013, Công ty Chứng khoán KIS, nhận định, mặc dù chỉ chiếm 17,3% doanh thu của KDC nhưng với biên lợi nhuận gộp khoảng 55%, bánh trung thu vẫn đóng góp lợi nhuận khá đáng kể cho KDC. “Chúng tôi dự kiến mảng bánh trung thu sẽ tăng trưởng vào khoảng 10% trong năm nay và tốc độ này sẽ không thay đổi nhiều các năm tiếp theo”, báo cáo viết./.