UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 4220/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án nghiên cứu, khai quật, khảo cổ tổng thể khu di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.

Thành nhà Hồ được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. Tháng 6/2011, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo quyết định được phê duyệt, dự án do Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ làm chủ đầu tư. Mực tiêu của dự án là: Từng bước tìm hiểu các dấu tích văn hóa, vật chất của Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ bị vùi dưới lòng đất, nhằm phát huy nâng cáo giá trị của khu di sản, góp phần cung cấp tư liệu lịch sử cho khoa học, giáo dục và tăng cường tiềm năng thu hút du lịch.

1.jpg
Những hiện vật được tìm thấy tại thành Thành nhà Hồ ở cuộc khai quật trước đây.

Quá trình nghiên cứu, khai quật, khảo cổ sẽ được thực hiện trên tổng diện tích 56.000 m2 trải qua 6 bước gồm: Chuẩn bị mặt bằng, phương tiện, vật tư và lực lượng cán bộ kỹ thuật viên khảo cổ học; Khai quật khảo cổ học bằng phương pháp thủ công; Hoàn trả mặt bằng khai quật; Chỉnh lý kết quả khai quật, lập hồ sơ khoa học cho các di vật khảo cổ, đề xuất các phương án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; Hội thảo khoa học, đánh giá kết quả khải quật, xây dựng báo cáo sơ bộ; Hệ thống, tổng hợp toàn bộ kết quả khai quật khảo cổ học, xây dựng báo cáo khoa học.

Theo đó, dự án được phê duyệt với tổng mức vốn thực hiện là 90,058 tỷ đồng, thực hiện từ nay cho đến năm 2020./.