Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - bản hùng ca bất diệt” sẽ diễn ra vào tối 6/5 tại tỉnh Điện Biên với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên. Chương trình là một trong những điểm nhấn của chuỗi hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Cường, Tổng đạo diễn chương trình này.
PV: Được biết, ông đã từng tham gia đạo diễn chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và trong Đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới, ông là tổng đạo diễn đêm nghệ thuật "Điện Biên Phủ - bản hùng ca bất diệt", vậy chương trình lần này có gì khác so với 2 lần trước?
NSND Lê Ngọc Cường: Đối với chiến thắng Điện Biên, tôi đã có điều kiện rút kinh nghiệm từ 2 lần tổ chức trước. Trong chương trình này sẽ không tạo ra một sự giãn cách giữa công chúng khán giả và các nghệ sĩ biểu diễn. Công chúng sẽ như là những người đang tham gia chiến dịch. Đặc biệt, khi lời hiệu triệu của Bác được cất lên thì lúc đó không chỉ diễn viên thể hiện sự hưởng ứng, cảm xúc mà sẽ là toàn bộ khán giả cùng tham gia. Công chúng đến để chứng kiến thời khắc lịch sử chứ không phải đến xem nghệ thuật.
Chương trình này sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng lời bình, không giống với các chương trình khác cứ đọc ra rả trong khi đó cái cần diễn chính lại không được quan tâm. Ở đây hình tượng nghệ thuật sẽ phản ánh, thể hiện nội dung của chương trình. Nó gần gũi hơn, chân thật hơn.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Cường (Ảnh: Thể thao & Văn hóa) |
PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến công lớn của dân tộc Việt Nam, vậy với thời lượng chương trình chỉ gói gọn trong 90 phút, ông sẽ kể câu chuyện về chiến thắng “chấn động địa cầu” này như thế nào?
NSND Lê Ngọc Cường: Chương trình gồm 2 phần. Phần 1 nhằm tạo không khí trước giờ biểu diễn, trên trục đại lộ dẫn vào quảng trường sẽ tái hiện lại quang cảnh chiến dịch Điện Biên năm xưa, để du khách khi xem chương trình thì đã được chứng kiến chiến dịch.
Phần 2 sẽ là một chương trình nghệ thuật mang tính sử thi bằng hình thức ca múa nhạc, được dàn dựng công phu, hoành tráng nhưng cố gắng đảm bảo tính chân thực của lịch sử; đồng thời khắc họa một cách đậm nét cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong phần 2 - Đêm nghệ thuật sẽ có 3 chương. Sẽ có một phóng sự ghi lại cảm nghĩ của những chiến sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ… Chương kết là hình ảnh Điện Biên hiện nay trong vòng tay bạn bè, cũng như nói lên sự đổi mới của mảnh đất đã chịu nhiều đau thương mất mát trước đây, giờ đây đã được khởi sắc như thế nào?
Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - bản hùng ca bất diệt” sẽ tái hiện chân thật lịch sử |
PV: Như ông nói,“Chương trình muốn tái hiện một cách chân thật lịch sử”, tuy nhiên, chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ diễn ra trên mặt đất mà còn dưới lòng đất và cả trên bầu trời, vậy sân khấu sẽ được thiết kế như thế nào để đáp ứng được những điều này?
NSND Lê Ngọc Cường: Chúng tôi sẽ khai thác tối đa không gian sân khấu cả trên bầu trời, trên sân khấu và dưới sàn sân khấu. Sân khấu lần này sẽ được thiết kế nổi như đồi A1 nằm giữa lòng chảo Mường Thanh, còn gầm sân khấu cũng được tận dụng như một giao thông hào và khi quân Pháp thua trận sẽ từ gầm sân khấu chui lên. Trên bầu trời sẽ sử dụng những chiếc dù bay, tượng trưng cho việc quân Pháp thả thuốc men, lương thực xuống.
PV: Trong chương trình sẽ có sự xuất hiện của các nhân vật lịch sử cụ thể nào, thưa ông?
NSND Lê Ngọc Cường: Có. Chương trình có cả những sự hi sinh mất mát của một số chiến sĩ ta như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… Bên cạnh đó, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Chỉ huy chiến dịch hay lực lượng chỉ huy của địch cũng sẽ được tái hiện trên sân khấu. Cả chương trình là một tổng thể. Chương trình phản ánh về chiến dịch nhưng không mô phỏng mà phải tạo được cảm xúc. Chương trình không minh họa lại các sự kiện lịch sử mà phải thể hiện bằng các cảm xúc nghệ thuật.
PV:Xin cảm ơn ông./.