Dù đã kết thúc 35 năm, song cuộc chiến mà quân Mỹ tiến hành ở Việt Nam vẫn tiếp tục gây nhức nhối trong lòng những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cùng với các nhân chứng lịch sử, chính những những bức ảnh quý được các phóng viên chiến trường ghi lại là những minh chứng còn mãi với thời gian, tố cáo tội ác của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, đánh thức lương tri nhân loại, thúc đẩy phong trào phản chiến mạnh mẽ tại Mỹ và trên toàn thế giới, góp một phần làm nên chiến thắng lịch sử của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Báo chí quốc tế nhân kỷ niệm 35 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Đài TNVN đã gặp gỡ và trao đổi với Tim Page và Nick Út, hai phóng viên ảnh nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam về sức mạnh của những bức ảnh chiến tranh đến giờ vẫn gây nhức nhối trong lòng dư luận.
PV Thùy Vân phỏng vấn Tim Page |
35 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, hòa bình được lặp lại, nhưng không ai không đau xót khi xem lại những bức ảnh kinh hoàng về chiến tranh Việt Nam đã được các phóng viên ảnh từ hai phía chụp lại một cách chân thực. Những bức ảnh tưởng như chỉ khắc họa nỗi đau câm lặng của một vài con người cụ thể, nhưng thực tế lại có sức mạnh tố cáo cả một cuộc chiến tranh khốc liệt và tàn ác mà quân Mỹ đã gây ra cho Việt Nam. Sự thực về cuộc chiến tự bộc lộ một cách trần trụi và không thể lừa dối qua những bức ảnh, từ hình ảnh các chiến trường với xác người ngổn ngang, máy bay Mỹ lởn vởn khắp trên bầu trời, cảnh lính Mỹ giết chóc, tra tấn người Việt Nam, cho tới ánh mắt căm phẫn và sợ hãi của người dân tìm nơi ẩn náu…
Tất cả, nói như phóng viên sở hữu kho ảnh đồ sộ về chiến tranh Việt Nam Tim Page, cho thấy sức mạnh phản chiến của những bức ảnh chiến tranh: “Những bức ảnh chân thực về chiến tranh chính là thông điệp mạnh mẽ nhất phản đối chiến tranh, làm thay đổi cái nhìn của dư luận, nói không quá, những bức ảnh chiến tranh có thể là những sứ giả của hòa bình, có thể làm thay đổi lịch sử. Tôi đã từng tác nghiệp trong nhiều cuộc chiến khác trên thế giới như ở Iraq, ở Afghanistan. Nhưng những phóng viên ảnh chúng tôi tự hào đã góp sức mình để chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến được khắc họa chân thực, chính xác nhất về tội ác của quân đội Mỹ. Đến nay nhiều thế hệ trẻ trên thế giới tiếp tục cảm nhận được tính tàn khốc của cuộc chiến qua những bức ảnh còn mãi với thời gian.”
Một trong những bức ảnh gây chấn động toàn thế giới, từng được trao giải thưởng cao quý Pulitzer năm 1973 là bức ảnh của phóng viên Nick Út (tên thật là Huỳnh Công Út) chụp lại hình ảnh hoảng loạn và nỗi đau cùng cực của em bé Kim Phúc khi bị trúng bom Napan của Mỹ.
Cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc hoảng loạn chạy trốn bom Napan |
Ông Nick Út kể lại: “Tôi và Kim Phúc thường đi nói chuyện rất nhiều tại Mỹ và nước ngoài để nói về bức ảnh đó. Những người xem lại bức ảnh này thấy được sự dã man của chiến tranh Việt Nam. Nhiều người, nhất là một số cựu chiến binh Mỹ, đã cảm ơn tôi, nói với tôi rằng nhờ bức ảnh của anh, tôi đã không phải đi lính ở Việt Nam, tôi rất mừng bởi bức hình đó đã tố cáo chiến tranh Việt Nam”
Để tạo nên sức mạnh phản chiến mạnh mẽ cho những bức ảnh, bản thân những người phóng viên đã phải lao vào chiến trường ác liệt, đặt cược cả tính mạng và trao gửi tâm hồn mình vào đó. Như Tim Page tâm sự: “Việt Nam là nơi tuyệt vời nhưng cũng là đau đớn nhất mà tôi từng sống, nơi tôi từng chết đi sống lại với 3 lần bị thương nặng, nơi tuổi trẻ của tôi bị chôn vùi trong những trận chiến khốc liệt, cũng là nơi tôi thấy cuộc đời mình có ích khi tạo nên những bức ảnh chân thực về chiến tranh”.
Những bức ảnh mà nhiều người trong số họ đã phải bỏ xương máu để ghi lại, cũng nhằm mục đích cuối cùng là để chiến tranh không bao giờ lặp lại./.