Cuối năm 2012, thông tin chính thức về chương trình truyền hình thực tế chuyên về tìm kiếm và đào tạo nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp Project Runway đến Việt Nam đã tạo nên một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Bên cạnh dàn thí sinh xuất thân từ những trường thời trang danh tiếng, có kinh nghiệm làm việc cho những thương hiệu thời trang; một số lượng lớn các thí sinh khác có độ tuổi và nghề nghiệp hầu như không hề liên quan đến thiết kế. Tuy nhiên, thành tích họ đạt được cũng rất đáng nể.
Hoa hậu cũng có thể thành nhà thiết kế
Kết quả mùa 9 của Project Runway đã thật sự tạo nên bất ngờ khi chiến thắng thuộc về hoa hậu hoàn vũ Trinidad & Tobago 2008 - Anya Ayoung Chee. Cô cũng từng đến Việt Nam để tham dự Hoa hậu Hoàn Vũ 2008. Khi đăng kí tham dự Project Runway, cô chỉ có đúng 4 tháng để tập luyện những kĩ năng cơ bản cho việc thiết kế trang phục. Nhận thức được mình chưa thật sự là một nhà thiết kế giỏi, trong suốt chặng đường tham gia cuộc thi Anya không mang tâm lý cạnh tranh mà cô lần lượt học hỏi từng kĩ năng của một nhà thiết kế. Trong vòng chung kết, khi tranh tài với 3 nhà thiết kế khác trong tuần lễ thời trang New York Fashion Week, Anya đã làm mọi người phải thán phục trước vẻ đẹp của bộ sưu tập “Tobago Love” lấy ý tưởng từ chính vùng biển xinh đẹp quê hương cô.
Từ bà nội trợ trở thành NTK thời trang
Trong mùa giải đầu tiên của Project Runway, sự xuất hiện của Wendy Pepper rất đặc biệt. Một bà mẹ chỉ quen làm công việc nội trợ và chưa từng có kinh nghiệm hay được đào tạo về thiết kế thời trang nhưng đã tiến vào vòng chung kết và dừng lại ở vị trí top 3. Đây là một thành tích thật sự đáng nể vì Wendy đã bước sang tuổi 40 và cũng không phải một thợ may giỏi. Cái Wendy có chỉ là niềm đam mê và một kế hoạch tác chiến cho cuộc thi. Khi tham gia cuộc thi, Wendy phải đối mặt với thái độ xem thường của các thí sinh khác. Đa số họ đều khá trẻ, năng động và khá tự tin. Thế nhưng Wendy đã âm thầm chứng minh tuổi tác không giới hạn lại khả năng sáng tạo của một nhà thiết kế và cô đã làm được điều đó.
Nhà tạo mẫu tóc kiên trì
Gunnar Deatherage đến với Project Runway mùa thứ 9 và dừng lại ở top 20. Sau đó anh quyết định quay trở lại phục thù tại mùa giải thứ 10 và lọt vào top 7. Một điều thú vị là Gunnar không hề được đào tạo bài bản về thiết kế, tất cả những kĩ năng đều là do anh tự học và rút kinh nghiệm từ mùa thi trước.
Gunnar Deatherage |
Trước khi đến với cuộc thi, anh là một thợ cắt tóc từ một thị trấn nhỏ. Sau cuộc thi, tên tuổi của Gunnar đã được khẳng định trong ngành thời trang. Thậm chí, anh có cả tuần lễ thời trang cho riêng mình.
Cũng giống như Vietnam’s Next Top Model với tiêu chí tìm kiếm và đào tạo những gương mặt mới phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam, Project Runway cũng mong muốn tìm ra những nhà thiết kế tài năng, góp phần đưa thời trang Việt Nam hội nhập với thế giới.
Tài năng, thì có thể đến từ bất cứ ai, từ một bà nội trợ hay một anh công nhân may mặc. Hy vọng rằng, mùa giải đầu tiên của Project Runway Vietnam sẽ thành công, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của thời trang Việt Nam./.