Xuân Giáp Ngọ 2014 “Phố ông đồ” sẽ được chuyển vào khu vực hồ Văn trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thay vì diễn ra trên vỉa hè áp sát khu di tích như mọi năm. Sự đổi mới này hứa hẹn sẽ đảm bảo mỹ quan đô thị, đồng thời góp phần đưa hoạt động cho và xin chữ đầu năm mới trở nên ý nghĩa hơn.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người trực tiếp quản lý khu vực “Phố ông đồ” tại hồ Văn năm nay.
Bà Phạm Thị Thúy Hằng |
PV: Thưa bà, trong những năm gần đây, khu “phố ông đồ” trên phố Văn Miếu đã rất quen thuộc với người dân Hà Nội vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Vậy tại sao năm nay “phố ông đồ” được chuyển đến khu vực mới là hồ Văn?
Bà Phạm Thị Thúy Hằng: Hằng năm, phố ông đồ thường diễn ra trên phố Văn Miếu, bên ngoài tường của khu di tích Văn Miếu tạo nên một phố ông đồ tự phát. Trong vòng một vài năm trở lại đây, nó càng gây mất mỹ quan. Các thầy đồ thường đóng đinh, treo các bức thư pháp lên tường của di tích, căng lều bạt và gây lộn xộn ở phía bên ngoài khu di tích, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của du khách, của nhân dân Thủ đô cũng như khách tham quan di tích.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở VHTTDL thống nhất với UBND quận Đống Đa, năm nay không cho các hoạt động “phố ông đồ”, bán hàng rong, trông giữ xe đạp, xe máy trên hè đường ở xung quanh di tích Văn Miếu. Vì thế Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám phối hợp với câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam tổ chức cho những người yêu thích thư pháp, viết thư pháp cũng như đến xin chữ được vào trong khu vực hồ Văn, đến đây để thể hiện nét văn hóa cho chữ đầu xuân.
PV: Việc đưa “Phố ông đồ” vào khu vực hồ Văn nhằm đảm bảo trật tự an ninh cũng như mỹ quan cho khu vực quanh Văn Miếu, tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay khu vực vỉa hè đường Văn Miếu vẫn xuất hiện một số ông đồ bày bán chữ, vậy sẽ xử lý những trường hợp cố tình vi phạm như thế nào thưa bà?
Bà Phạm Thị Thúy Hằng: Về vấn đề này chúng tôi cũng có đưa ra trong hội nghị họp về ổn định trật tự khu vực xung quanh Văn Miếu trong dịp Tết Giáp Ngọ. Theo yêu cầu của công an cũng như UBND quận Đống Đa, năm nay phải giải quyết triệt để các tệ nạn viết chữ, hàng rong, trông xe trên vỉa hè, thế còn công tác này thực hiện được đến đâu thì phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng của tất cả các phường, lực lượng của an ninh, của giao thông, lực lượng trật tự cùng đồng loạt ra quân và cùng kiên quyết thì mới có thể đạt được hiệu quả.
Một ông đồ sắp xếp chỗ ngồi của mình trong khu vực mới |
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa “Phố ông đồ” vào khu vực Hồ Văn sẽ không thuận tiện cho việc người dân xin chữ cũng như sẽ phải trả phí tham quan khi vào đây, bà nghĩ sao về điều này?
Bà Phạm Thị Thúy Hằng: Bên hồ Văn chúng tôi không hề bán phí tham quan, mà để bà con vào tự do để xin chữ. Thế nhưng tính của người Việt Nam mình cứ muốn mua của những người bán lẻ ngoài đường. Nói là “phố ông đồ” rất đẹp nhưng tại sao chúng ta không cho để ở ngoài mà phải dẹp. Tức là nó chưa đẹp thì các cấp chính quyền mới yêu cầu phải dẹp. Bà con chúng ta phải quen dần với những nét văn hóa.
PV: Thực tế hiện nay khuôn viên khu vực hồ Văn khá nhỏ so với nhu cầu của rất đông những người cho chữ, mà cụ thể là chỉ đáp ứng được khoảng 60 đến 70 người, trong khi mọi năm con số này lên đến khoảng 150 người. Vậy tiêu chí lựa chọn những ông đồ cho chữ vào khu vực này là gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Thúy Hằng: Năm nay, chúng tôi chỉ tuyển chọn những người viết thư pháp Hán Nôm, còn viết thư pháp Tiếng Việt chúng tôi giới thiệu sang khu vực Thành cổ Hà Nội. Những người hiện nay được tuyển chọn vào viết thư pháp ở khu vực hồ Văn chủ yếu tập trung vào 3 câu lạc bộ thư pháp của Hà Nội. Đó là câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam, câu lạc bộ Thư pháp Hương Nam và câu lạc bộ Thư pháp Tâm Mỹ.
Trong hoạt động thư pháp dân gian ở bên ngoài, những ông đồ có kiến thức, có trình độ thư pháp, viết được và tương đối khá mới tuyển chọn vào.
Chúng tôi gọi là khu vực cho chữ đầu xuân được tổ chức hồ Văn của vườn Giám. Hiện nay vào khu vực hồ Văn chắc cũng chưa quen nên khoảng từ 23 họ mới bắt đầu tập trung vào. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho viết đến 20h hàng ngày. Riêng tối 30 Tết, cho viết đến 2h sáng, còn lại tập trung vào ngày mùng 1, mùng 2 cho viết đến 10h đêm./.
PV: Xin cảm ơn bà!