Không chỉ được biết đến với những rừng Ban trắng trời chiều, mận đào đua nhau khoe sắc khi tiết trời vào xuân, xứ Mường So, Phong Thổ, Lai Châu còn được biết đến với những đêm xòe ngất ngây trong men rượu cần mà cảm nhận cho hết cái chất và hồn của người Tây Bắc.

Nhạc xòe

Dưới chân dãy núi Phu Nhọ Khọ, nơi có dòng Nậm So, tiếng đàn tính tẩu cứ lay lắt vang vọng tận trong ngách núi. Đã từ lâu rồi, cứ mỗi độ tết đến xuân về các cô gái Thái vùng Mường So lại diện trên mình những bộ áo cóm rực rỡ, tay trong tay nhịp bước, vang lên điệu xòe: “inh lả ơi, sao noọng àh...” tạo cho đất trời Mường So, Phong Thổ (Lai Châu) rực rỡ như chốn thiên đàng.

xoe-2.jpg

Men theo con suối Mường So chúng tôi đến gặp nghệ nhân đàn tính, ông Nông Văn Nhay. Dù chưa có cơ quan nào công nhận ông là thầy, là thợ nhưng với ông niềm hãnh diện lớn nhất của cuộc đời mình là được bà con dân bản suy tôn là nghệ nhân của loại hình nghệ thuật múa xòe. Bắt đầu làm quen với cây đàn tính tẩu từ năm 13 tuổi, đã có gần 60 năm gắn bó với cây đàn tính tẩu, một loại nhạc cụ duy nhất đệm múa cho các làn điệu xòe, ông Nhay là người hiểu hơn ai hết về cái hồn của nhạc và sự ru dương của những làn điệu xòe.

Điệu múa cung đình

Múa xòe thật ra lúc đầu sinh ra như để phục vụ tầng lớn địa chủ, vì vậy cũng có thể xem nó là thứ nhạc cung đình. Xòe ở các ngày lễ hội thì nền nhạc vui nhộn, nhưng nếu là xòe trong một đêm trăng sáng, nói lên sự ly biệt thì nền nhạc ru dương, lắng đọng. Đêm xòe thường đi liền với những đêm rượu cần, những bước xòe của các cô gái càng về khuya càng nhẹ nhàng như muốn níu kéo lòng người.

Cô Lò Thị Thiếm là đội trưởng đội xòe của câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 xã Mường So. Đội xèo do cô Thiếm phụ trách có tất cả 10 chị em, các chị đều là những người không sinh con thứ 3. Các chị, các cô đều đã bước sang cái tuổi ngoài 35, nhưng khi đứng ở phòng trang điểm nhà văn hóa bản Vàng Pheo, với vẻ ngại ngùng, chẳng khác nào các cô thiếu nữ tuổi đôi mươi.

Nếu như vùng Tây Bắc được biết đến với những điệu xòe nghiêng ngả, làm mê lòng người thì Mường So được xem là cái nôi của làn điệu xòe. Đến nay dân bản vẫn truyền tai nhau rằng, xưa kia chúa đất Đèo Văn Ơn mê đắm những bước xòe nhịp nhàng của các cô gái thái với bộ áo cóm thắt eo. Theo lời các cụ kể lại thì xưa kia trong cung ông lúc nào cũng có 3 đội xòe, các cô gái được ông tuyển lựa tận trong bản, tiêu chí chẳng khác tuyển hoa hậu thời nay, từ vòng eo phải thắt chặt theo khom áo cóm đến cổ cao, ngực nở... Và như thế, tiếng hát xòe và cây đàn tính tẩu của xứ Mường So cứ vọng ra ngoài vùng Tây Bắc mà bay mãi tận đâu.

Cô Lò Thị Đối, một diễn viên múa xòe bản Vàng Pheo, Mường So cho biết: “Điệu múa xòe của dân tộc Thái trắng này có từ lâu lắm rồi, có từ ông cha. Tôi đang còn nhỏ mà tôi cũng thấy ông bà hay múa xòe. Đêm hội, ngày vui, đến năm tổng kết tất cả làng bản đều múa xòe”.

Giờ đây xòe không chỉ là điệu múa sinh hoạt dân gian đơn thuần mà nó còn thể hiện nét văn hóa ngàn đời của con người xứ núi Mường So từ đời xưa để lại. Những điệu xòe là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, thể hiện sự mếm khách, mong muốn làm quen, cầm tay múa hát bên ngọn lửa hồng, người con gái thái cứ lộ ra và đẹp lạ thường. Những ngày xuân, hội xòe cũng là cơ hội để trai gái trong vùng giao lưu hò hẹn, ước nguyện kết tóc xe duyên. Những ngày tết đến xuân về, khi bắt đầu mùa cơm mới, người thái vùng Mường So lại mở hội xòe suốt cả tháng giêng.

Tôi may mắn được tham gia đêm xòe của các cô giá Thái Mường So đúng vào dịp mùa xuân năm. Tôi cứ ngây ngất ngắm nhìn những cô gái thái lung linh bên ngọn lửa hồng, có một thứ ngôn ngữ y phục của phụ nữ thái sao ru tình đến thế. Cô nào cũng váy cóm thắt lấy thân hình thon thả, mềm mại đầy sức sống, hàng cúc màu bạc lấp lánh, chiếc khăn piêu cứ phập phồng trong nhịp bước, chúng tôi cứ liêu xiêu theo điệu hát. Có lẽ vì thế mà xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở đất Mường So này.

Anh Lò Văn Đấu, Ban Văn hóa xã Mường So cho biết: “Hiện nay, xã Mường So có tới gần 20 đội xòe để phục vụ ngày lễ ngày tết giao lưu với bà con các xã lân cận. Với người thái Mường So, xòe không đơn thuần là điệu múa mà mỗi điệu nhạc, nhịp múa thể hiện nét đẹp chất phát của con người Mường So”.

Chia tay vùng đất xòe Mường So, chia tay đêm xòe bên ngọn lửa hồng... nhưng từng lời hát: “inh lả ơi! Sáo noọng ời!...” cứ hiện về trong tâm trí tôi. Vì biết rằng một mùa xuân nữa lại về, các cô gái Mường So lại lộng lẫy trong những bộ váy cóm xòe điệu xòe thân thương của mình./.