Nói đến Nhật Bản, người ta thường nói đến Hoa Anh đào, đến những thành tựu phát triển kinh tế thần kỳ và “tinh thần thép” chống chọi với thiên tai thảm họa của đất nước Mặt Trời mọc. Nhưng đằng sau những thành công ấy, không thể thiếu vai trò của văn hóa.
Tokyo đã sang xuân. Những cơn gió lạnh buốt da thịt, những cơn mưa bất chợt lẩn quyất trên những con phố. Người dân Tokyo vẫn hối hả, bận rộn với cuộc sống thường nhật. Dòng người vẫn không ngừng trôi trên mỗi con phố rồi tản mát ở các ga tàu điện ngầm dưới lòng đất sâu Tokyo.
Zin zin Thaw, một cô bạn đồng nghiệp người Myanmar không ngừng tấm tắc khen sự hiện đại của Tokyo. Cũng phải thôi, Tokyo, từ lâu vốn đã nổi tiếng thế giới bởi sự hiện đại, bởi lối sống hối hả, đắt đỏ, đậm chất văn minh của một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn mà chúng tôi có thể cảm nhận được ở Tokyo và có lẽ cả nhiều thành phố khác, đó là phong cách sống, là văn hóa của người dân Nhật Bản.
Lòng hiếu khách là một ví dụ. Nếu bạn là du khách lần đầu tới Nhật Bản, xin đừng lo ngại về việc đi lại, thăm thú ở Tokyo. Ở bất kỳ con phố nào, bạn cũng có thể nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình, nụ cười hồn hậu của người dân Nhật Bản nếu bạn cần sự giúp đỡ. Từ những bạn trẻ cho tới các cụ già, luôn nở nụ cười nhiệt tình chỉ đường cho du khách bằng tiếng Nhật, bằng tiếng Anh hay bằng ngôn ngữ của cử chỉ…
Hình ảnh một cụ già Nhật Bản ở ga tàu điện ngầm JR, tuy xách theo rất nhiều đồ, nhưng vẫn rất nhiệt tình chỉ đường, giúp đỡ và mua vé hộ du khách nước ngoài; hay một đôi thanh niên Nhật Bản, dù không nói được tiếng Anh, nhưng vẫn hăng hái hướng dẫn du khách đến khu trung tâm Shijuku…
Shinjuku, một trong những khu phố sầm uất nhất ở Tokyo |
Đặc biệt, người dân Nhật Bản sống rất kỷ luật, trật tự và tôn trọng nhau. Khi đi tàu điện ngầm, hay ở nơi công cộng, người Nhật Bản không bao giờ nói chuyện lớn tiếng. Nơi công sở, mọi người chào hỏi nhau lịch sự, tận tâm và hết mình với công việc. Các cơ quan hành chính bao giờ cũng cố gắng giải quyết nhanh gọn, hiệu quả trong hết khả năng có thể để giải quyết những vấn đề người dân thắc mắc với thái độ lịch sự, chu đáo. Có lẽ, chính sự “hết mình” ấy đã giúp nước Nhật vươn lên sau nhiều sự cố và thảm họa, tưởng chừng có thể nhấn chìm đất nước Mặt Trời mọc.
Một nét văn hoá đặc sắc riêng của Nhật Bản, đó là những ngôi đền, chùa. Các ngôi đền, chùa ở Nhật Bản có chung một đặc điểm là cổng chào trước lối đi vào đền rất lớn, với hai cây cột rất to. Quan trọng hơn, đền, chùa không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo của người dân, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống.
Đến bất kỳ một ngôi chùa nào, một ngôi đền nào ở thủ đô Tokyo, hòa trong sắc vàng rực của lá cây, bạn cũng sẽ nhìn thấy cảnh rất nhiều người dân Nhật Bản đến thắp hương, cùng nhau trò chuyện rôm rả hay đi dạo chợ trời. Hỏi chuyện một phụ nữ trung niên Nhật Bản đang mua hoa mà chúng tôi tình cờ gặp ở đền Yashukuni, bà cho biết bà đến chùa để cầu bình yên cho gia đình, hòa bình cho đất nước; và để tìm loài hoa cúc mà bà yêu thích, dù mùa này đã không còn nhiều hoa cúc.
Người Nhật rất thích hoa Cúc. Loài hoa này có 16 cánh, được ví như ánh mặt trời chiếu rọi xuống đất nước Nhật Bản, che chở người dân Nhật Bản vượt qua khó khăn, và đây cũng là loài hoa được chọn làm quốc huy của Nhật Bản.
Một nghệ sỹ tự do Nhật Bản biểu diễn văn nghệ ở ngôi đền thờ Yashukuni |
Tinh hoa Nhật Bản
Tinh hoa của Nhật Bản còn được thể hiện rõ hơn ở vùng Kansai, thủ phủ lớn thứ 2 ở Nhật Bản sau Tokyo. Với 3 tam giác chính: cố đô Kyoto, Kobe va Osaka, Kansai không chỉ là trung tâm kinh tế lớn mà còn là trung tâm văn hóa, cái nôi của lịch sử Nhật Bản.
Ở cố đô Kyoto, bạn có thể tới thăm rất nhiều di sản thế giới như đền Kinkakuji, đền Kiyomizudera; đền Byodoin, hay ngôi đền có ngọn tháp cao chót vót là Daigoji…Mỗi ngôi đền đều ẩn chứa một bí ẩn riêng của lịch sử mà qua thời gian nó lại nhuốm thêm màu sắc của những câu chuyện thần bí. Cũng ở Kyoto, du khách có thể đến thăm bảo tàng Khoa học công nghệ đầu tiên của Nhật Bản, nơi lưu giữ phát minh từ thuở sơ khai đến những thành tựu vĩ đại nhất mà các nhà khoa học Nhật Bản đã thực hiện.
Bảo tàng Khoa học Công nghệ (Kyoto), nơi lưu giữ trình tự phát triển KHCN của Nhật bản. |
Ở Osaka, chúng tôi cũng đã có dịp tới thăm ngôi thành cổ 2.000 năm tuổi, chứng nhân của rất nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử Nhật Bản; cùng tham gia một khóa học ngắn về cách làm trà đạo… Tất cả giúp những du khách lần đầu đến Nhật Bản cảm nhận được hương vị của xứ sở Phù Tang. Cứ như thế, hành trình văn hóa mang tên gọi “Rekishi Kaido” cuốn du khách tới những ngõ ngách trong đời sống văn hóa Nhật Bản, hiểu thêm về cuộc sống ở nơi đây. “Tinh hoa Nhật Bản đã được thể hiện rất rõ ở vùng Kansai này.
Đó không chỉ là lịch sử của vùng đất, là văn hóa của người Nhật mà còn cả những điều mà các bạn cảm nhận được ở Nhật Bản: sự hiếu khách, sự tận tâm, nghệ thuật ẩm thực; nghệ thuật trà đạo, ngôn ngữ chữ viết hay nghệ thuật bày biện trang trí món ăn. Tinh hoa của người Nhật hội tụ từ rất nhiều yếu tố từ cuộc sống, từ sự kế thừa tiếp nối giữa các thế hệ…Giáo sư Mishima, trường đại học Osaka cho biết “Nó tạo nên những nét riêng biệt về văn hóa của người Nhật và chúng tôi hết sức tự hào về điều đó”…
Một góc thành phố Osaka |
Rời Tokyo, Osaka, chúng tôi mang theo cảm nhận về một đất nước hiện đại nhất thế giới nhưng vẫn lưu giữ Bản sắc văn hóa riêng độc đáo. Lại nhớ tới câu nói của một nhà nghiên cứu văn hoá Nhật Bản rằng “vượt qua nhiều thử thách, Nhật Bản đã vươn lên vị trí số 1 thế giới. Nhưng cái hay ở quốc gia này là họ biết tiếp thu cái mới mà không quên cái cũ để tạo nên một nền văn hóa khác biệt”.
Đối với chúng tôi, chính sự riêng biệt ấy đã góp phần tạo nên thành công cho Nhật Bản ở nhiều phương diện. Trong bối cảnh thế giới đang bị cuốn theo cơn lốc toàn cầu hóa mạnh mẽ, Nhật Bản vẫn vẹn nguyên những nét đẹp văn hoá thở ban đầu, nền tảng cho sức mạnh để dân tộc này vươn lên./.