Chất lượng "Hoang tâm" hay "thương hiệu " Nguyễn Đình Tú đều là một

PV: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đây rồi, tình hình... tiêu thụ sách đến đâu rồi anh? Một buổi "PR" sách ấn tượng thế cơ mà?!

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Ồ, có lẽ điều này bạn phải hỏi... Công ty phát hành cuốn sách của tôi mới biết chính xác được. Nhưng theo cảm nhận cá nhân tôi, hot nhất vẫn là "Nháp", sau 2 tuần in nối bản thêm 2.000 cuốn nữa; kể cả "Phiên bản" và "Kín" cũng đều bán tốt, 6 tháng sau đã rục rịch tái bản.Tôi nghĩ cuốn này cũng như những cuốn khác thôi, tức là vẫn có một lượng bạn đọc nhất định tìm đọc đó. PR sách có nghĩa là sẽ có đông người biết thêm mình có sách mới nhưng chưa chắc đã đồng nghĩa với việc sẽ đông người mua sách hơn. Tác phẩm của tôi đã là một thương phẩm, tức là có tính hàng hóa, vì vậy chắc chắn nó sẽ có đời sống thị trường, và nó chiếm lĩnh thị trường đến đâu thì tôi không tiên lượng được.
nguyen%20dinh%20tu.jpg
Nhà văn Nguyễn Đình Tú tại buổi ra mắt tiểu thuyết "Hoang tâm"
PV: Bằng việc đọc những trích đoạn tiểu thuyết "Hoang tâm" trong tiếng violon réo rắt, anh chọn cách này để mọi người biết được: Ồ, Nguyễn Đình Tú lại xuất hiện?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Nói thật nhé, thậm chí lúc đầu tôi còn hơi bất cần, ra mắt hay tọa đàm thì quan trọng gì cơ chứ?! Đây đã là cuốn tiểu thuyết thứ 6 của tôi và truyện ngắn của tôi thì nhiều không kể. Trước đó tôi đã có những cuốn sách với những luồng dư luận rất trái chiều nhau, nên tôi cũng đã quen. Điều quan trọng là sách bán được.

Cũng như bạn, có nhiều phóng viên theo sát từng cuốn sách của tôi. Nên tôi không cần phải cố gắng làm cái gì đó hay ho thì mọi người mới biết là tôi ra sách. Nhưng Công ty Phương Đông đã thuyết phục khiến tôi phải nghĩ lại. Nhà văn là người luôn kêu gọi sự phản tỉnh hay nghĩ lại, nên mình cũng không nên quá cực đoan hay cứng nhắc. Phan Huyền Thư là bạn tôi và đây là lần đầu tiên cô ấy làm MC cho một buổi ra mắt sách, coi như bạn bè giới thiệu sách cho nhau. Và nếu đã định ra mắt sách thì buổi ra mắt phải làm sao khiến mình cảm thấy sướng, vừa ấn tượng lại vừa gọn nhẹ, hiệu quả. Phan Huyền Thư nói rằng làm sao để không chỉ tác giả nói mà còn phải để cho cuốn sách lên tiếng, muốn vậy phải chọn một số đoạn ra để đọc trên nền violon, làm cho người đọc đắm mình vào cuốn sách.

PV: Nếu như "Hoang tâm" bán chạy hơn những cuốn trước, theo anh vì chất lượng của nó tốt hay vì độc giả nhìn thấy tên Nguyễn Đình Tú mà chọn?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Thực ra chất lượng hay tên Nguyễn Đình Tú đều là một, vẫn một phong cách ấy, một tác giả ấy, và một cách làm việc chuyên nghiệp ấy. Nếu có so sánh thì nên so sánh với những tác giả khác, với những cuốn tiểu thuyết khác trong tình hình văn học hiện nay. Còn tiểu thuyết "Hoang tâm" có hay hơn hoặc kém hơn so với chính những cuốn sách khác của Nguyễn Đình Tú thì hãy để bạn đọc đánh giá.

PV:
Theo anh, số lượng sách bán ra có phụ thuộc nhiều vào việc PR?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú:
Với một xã hội thị trường như hiện nay, các hoạt động PR, quảng cáo đương nhiên có mối quan hệ tương thích với số lượng bán ra của bất kỳ sản phẩm nào. Sách cũng là hàng hóa, nên muốn lưu hành rộng rãi thì cũng cần PR. Nhưng việc quảng bá đó quyết định bao nhiêu phần trăm việc sản phẩm bán tốt thì đây là bài toán của nhà kinh doanh. Có những sản phẩm quảng bá tốt nhưng bán không tốt và ngược lại, điều đó cho thấy, ngoài PR ra còn có những yếu tố a,b,c khác nữa để làm nên sự bán chạy của sản phẩm.

Một cuốn sách hay (hay một cuốn sách đánh đúng tâm lý bạn đọc) cộng với quảng bá tốt sẽ bán tốt. Nhưng cũng có những cuốn sách hay (đoạt giải Nobel chẳng hạn) nhưng chưa chắc đã được số đông quan tâm, chưa chắc đã chạm được vào cái người đọc cần, và chưa chắc đã bán tốt.

Lại có trường hợp một cuốn sách ra thị trường không cần PR mà vẫn có thể bán được. Tuy nhiên đây sẽ là những trường hợp hiếm hoi. Vậy thì PR có ý nghĩa với người này nhưng chưa hẳn đã có ý nghĩa với người khác. Còn với tôi thì, khi anh ra sách mới có nghĩa là anh muốn giao cảm với đời, ít ra anh có mặt thì cũng nên báo cho mọi người biết là "tôi đã có mặt".

Bạn đọc thực sự là bạn đọc có nhu cầu mua sách

PV:
Trước khi ra mắt tiểu thuyết của mình khoảng một tháng, anh có bàn về chuyện xin- tặng sách trên trang cá nhân facebook, có vẻ như anh đã lo xa cho "số phận" những cuốn sách của mình?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú:Thực ra nếu dùng từ lo ngại thì hơi quá, mà đồng cảm thì đúng hơn. Đúng thời điểm đó nhà văn Nguyễn Văn Thọ sau khi ra sách ("Vợ cũ" và "Sẫm violet" - PV) đã viết một status trên FB và tôi muốn chia sẻ sự đồng cảm với anh về việc nhà văn phải đối mặt với sự xin-tặng sách. Nhiều người cũng cho rằng tôi dọn đường để khi ra mắt sách sẽ không “bị” quá nhiều người đến xin. Thực ra thì tôi không phải lo xa như thế. Trong buổi ra mắt sách của tôi, việc tặng sách cho ai, đối tượng nào là việc của đơn vị phát hành chứ không phải việc của tôi. Tất nhiên tôi cũng có nhu cầu tặng sách, nhưng tôi sẽ chọn một dịp khác và ở nơi khác chứ không tặng vào buổi ra mắt đó.

PV:
Anh từng nói rằng, bạn đọc đúng nghĩa là bạn đọc có nhu cầu mua sách, và vì vậy mà những độc giả chỉ đọc những cuốn sách được tặng thì...

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Bạn đọc thực sự là bạn đọc có nhu cầu mua sách, đúng là như thế, nhưng cũng phải nói thêm rằng, việc xin - tặng sách là thói quen có tính lịch sử, văn hóa của người Việt mình. Văn chương xưa nay vốn được coi là sản phẩm tinh thần chứ không phải là thương phẩm nên chỉ quen mang cho, biếu, tặng. Thêm mấy chục năm bao cấp, văn học là sản phẩm văn hóa cũng được bao cấp như những sản phẩm khác nên nhiều người quen được bao cấp rồi, khi chuyển sang kinh tế thị trường, các sản phẩm văn hóa chưa thực sự được đối xử như những sản phẩm hàng hóa khác trong cơ chế thị trường. Bao giờ sách mới trở nên đúng nghĩa là một thương phẩm, được nhà văn viết ra và bạn đọc chờ đợi mua đọc thì cần có thời gian, chứ lỗi không thuộc về ai cả. Trong thời điểm “giao thời” như thế này, quả thật mỗi nhà văn chỉ còn biết ứng xử sao cho khéo để tránh được những sự phiền lòng không đáng có.

Sách là chỉ số đo sự văn minh của một xã hội, nhưng...

PV:
Nhân Ngày hội đọc sách vừa diễn ra, cảm xúc của anh như thế nào khi nghe đến con số trung bình mỗi năm người dân nước ta chỉ đọc 0,8 cuốn sách/người?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú:

Thực sự con số này không khiến tôi ngạc nhiên. Chúng ta mất rất nhiều năm mới thoát ra được khỏi tình trạng đói nghèo. Vậy thì chúng ta hãy chờ đợi thêm nhiều năm nữa để có một lớp công chúng lý tưởng cho mọi loại hình nghệ thuật, trong đó có văn học.

PV: ...Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, quan trọng là đọc sách gì và đọc như thế nào chứ không phải chỉ nhìn vào số lượng sách đọc trung bình mỗi năm...

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Con số thống kê này chỉ phản ánh khía cạnh số học căn cứ vào số phát hành của các nhà xuất bản, chỉ mang ý nghĩa xã hội học để nhìn nhận lượng sách ở Việt Nam được tiêu thụ mỗi năm như thế nào thôi. Về chất lượng thì sách nào cũng là quý vì dù sao cũng đã qua sự kiểm duyệt nhất định. Còn những thứ gọi là phế phẩm hay độc hại chỉ là phần nhỏ thôi. Việc người ta đọc sách chưa vội bàn đến chất lượng, nhưng việc độc giả đến với sách cho thấy dân trí của một xã hội như thế nào. Thói quen đọc sách là một trong những chỉ số để đo sự văn minh của một xã hội, và để có được chỉ số lý tưởng này, chúng ta còn phải chờ đợi nhiều năm nữa.

PV: Cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Tú./.