Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là tác giả của nhiều tập truyện ngắn: “Ngọn đèn không tắt”, “Cánh đồng bất tận”, “Gió lẻ”, “Khói trời lộng lẫy” và nhiều truyện ngắn, tản văn khác. Nguyễn Ngọc Tư vừa trải nghiệm thể loại tiểu thuyết với tác phẩm “Sông”. Ngày 18/9, chị có buổi gặp gỡ, giao lưu cùng báo chí, độc giả Hà Nội để chia sẻ về tiểu thuyết đầu tay này.
PV VOV online lược ghi lại nội dung cuộc trò chuyện:
PV: Độc giả biết đến Nguyễn Ngọc Tư với các tác phẩm truyện ngắn, tản văn và bây giờ là tiểu thuyết. Chị có thể chia sẻ với độc giả về quá trình viết cuốn tiểu thuyết dài trang này?
Nguyễn Ngọc Tư: Đối với tôi, viết tiểu thuyết là một trải nghiệm thú vị, nếu tôi không thử viết tiểu thuyết thì có thể sau này tôi sẽ cảm thấy hối tiếc. Thực ra, có thể nói đây cũng chính là cố gắng của tôi, thay vì viết ngắn thì bây giờ tôi viết dài, thay vì kể thiếu thì bây giờ tôi sẽ kể thừa. Tôi nghĩ rằng viết lách cũng là thứ có thể gây “nghiện” bởi sau khi tiểu thuyết “Sông” ra mắt, tôi đã dự định viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư miệt mài ký tặng độc giả |
PV: Nhiều độc giả bày tỏ rằng cuốn tiểu thuyết của chị càng về sau càng mang sắc màu ảm đạm. Đó là cá tính của chị hay ý đồ chị truyền tải vào tác phẩm?
Nguyễn Ngọc Tư: Có thể nói, một phần tính cách và ý đồ của tôi đều được đưa vào tác phẩm. Trong cuốn tiểu thuyết, tôi viết về một bộ phận giới trẻ đang rất hoang mang đi tìm chính con người của mình. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là một cậu con trai sống nhưng không tin vào bất kỳ điều gì trong cuộc sống, kể cả tôn giáo lẫn người yêu và cậu luôn luôn hoài nghi về những gì cậu nhìn thấy.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: "Đưa chuyện đồng tính vào, tôi cho đó là một sự gia giảm cần thiết và hợp lý, với liều lượng vừa phải và hoàn toàn ăn nhập với câu chuyện đi tìm bản ngã ở tiểu thuyết “Sông”. Đủ để không gây cảm giác tác giả đang muốn dùng điều đó để câu khách – điều đó đương nhiên không có ở Nguyễn Ngọc Tư!"
PV: Vậy đó có phải lý do chị để cuốn tiểu thuyết có kết thúc mở và tạo sự mông lung cho người đọc?
Nguyễn Ngọc Tư: Trước đây, các tác phẩm của tôi đều để những kết thúc mở như vậy và đó cũng là sở trường của tôi khi viết. Tôi nghĩ rằng chẳng có gì có thể khóa chặt được tất cả, mọi thứ đều được mở và được bỏ ngỏ, cho nên trong cuốn tiểu thuyết này, tôi cũng không kết luận điều gì ở phần cuối, độc giả khi đọc sẽ tự cảm nhận theo cách của mình, người ta sẽ vẽ cho nhân vật trong đó một lối đi riêng nào đó.
Hơn nữa trong cuốn tiểu thuyết này, tôi không nói nhân vật chính hay nhân vật nào khác sẽ chìm và có lẽ khi ở sông Di, họ sẽ cố gắng bơi vào bờ và sống một đời sống mới tươi đẹp hơn, rộng mở hơn. Điều này giống như thử thách trong cuộc sống mà mỗi người cần phải vượt qua.
PV: Các tác phẩm của chị thường rất buồn, khá bi quan nhưng chính điều đó đã làm nên thành công của chị. Chị nghĩ như thế nào về nhận định đó?
Nguyễn Ngọc Tư: Đầu tiên tôi cảm ơn bạn độc giả đó đã quan tâm đến các tác phẩm của tôi cũng như văn phong của tôi. Nếu nhắc tới Nguyễn Ngọc Tư, người ta nghĩ ngay tới lối viết buồn hay bi quan thì cũng tốt, thế nên tôi nghĩ cách viết đó và lời nhận xét đó của bạn độc giả cũng không có vấn đề gì cả.
Bìa tiểu thuyết "Sông" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư |
PV: Bên cạnh sự bi quan, tiểu thuyết “Sông” của chị còn đề cập đến một chủ đề khá thời sự, câu khách và nhạy cảm - Đồng tính. Quan điểm của chị trong việc tiếp cận đến vấn đề này như thế nào?
Nguyễn Ngọc Tư: Tôi tiếp cận mảng đó về mặt tinh thần, về nội tâm con người, về những suy nghĩ và dằn vặt của nhân vật chứ tôi không hoàn toàn khai thác những gì thuộc về thân xác và nhục cảm. Tôi nghĩ rằng những vấn đề đó các tác giả khác đã làm rất tốt rồi.
PV: Chị từng chia sẻ nghiệp viết giống như trời cho, tức là trời đã ban cho chị món quà, đó là những câu chữ của chị, nếu dấn vào tay cũng rất vất vả, nếu không nhận thì cảm thấy ngại ngùng. Chị cảm nhận như thế nào sau khi chị trải nghiệm qua những trang viết của mình?
Nguyễn Ngọc Tư: Sau những trang viết, tôi giải tỏa được sự cô đơn, giải tỏa được những nỗi buồn mà đôi khi không biết chia sẻ cùng ai. Những gì tôi nghĩ, những gì tôi mong muốn đều được giãi bày qua từng trang viết. Những trang viết này đã giải thoát được cho tôi những tiêu cực trong cuộc sống, đã giúp tôi nhận ra những điều mới mẻ, tươi đẹp hơn trong cuộc sống. Thế nên, nghiệp viết của tôi vẫn chưa dừng lại.../.