Ngày 21/2, tại Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên (36 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội)  đã dễn ra buổi giao lưu, ra mắt tập truyện “Tiếng hát người cá”. Chương trình do Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Japan Foundation, phối hợp cùng Nhà xuất bản Trẻ thực hiện. Tham dự chương trình có các nhà văn, nhà ăn phê bình văn học, cùng đông đảo những người quan tâm, yêu thích các tác phẩm của nhà văn trẻ Masatsugu Ono.

“Tiếng hát người cá” là một tác phẩm mới của Ono, lần đầu tiên được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản vào tháng 2/2012.

Những chia sẻ thú vị về nghề văn

DSC_0051.JPG

Nhà văn Masatsugu Ono vui vẻ chia sẻ những câu chuyện trong nghề

Trao đổi về nghề văn cũng như quá trình viết văn của mình, Masatsugu Ono đã so sánh ví von rằng, việc ta viết văn cũng giống như những con thú hoang đào hang để tìm nơi trú ẩn của mình. Bản thân Ono cũng thấy mình giống như vậy.

“Viết văn đối với tôi cũng như việc đào hang. Tôi cứ cặm cụi đào mà không biết mình sẽ đi đến đâu, Tôi cũng không kịp nhìn lại xem quãng đường mình đã đi như thế nào rồi…”, Ono chia sẻ. Anh cho rằng, việc “đào hang” sẽ dẫn nhà văn đến một cái hang khác, nơi đó có độc giả của mình, để từ những cảm xúc của độc giả, nhà văn sẽ viết nên những câu chuyện của họ để tìm sự đồng cảm của người đọc.

Ono cho biết, tác phẩm “Tiếng hát người cá” hàm chứa điều thú vị mà tác giả đã trải qua. Khi viết tác phẩm, Ono đang ở rất xa quê hương mình, chính sự nhớ nhung và tình yêu đối với vùng quê yên bình mà anh đã từng sống đã khiến anh cất bút viết nên những trang văn chứa đựng hình ảnh quê hương mình.

Điều đáng chú ý là trong tác phẩm “Tiếng hát người cá” rất ít lời thoại. Nhà văn Ono cho biết đây chính là ý đồ riêng cỉa tác giả. Tác phẩm này viết về vùng quê xa xôi tại Nhật Bản nên thổ ngữ ở đây rất khó hiểu đối với người ngoài. Và với cách viết kiệm lời thoại, tác giả muốn tạo nên cái nhìn khách quan nhất, rút ngắn khoảng cách với người dân của vùng quê ấy.

Nhận xét về Masatsugu Ono, nhà văn Bảo Ninh đã có rất nhiều lời khen ngợi dành cho nhà văn trẻ này. Ông đã tếu táo rằng: “Việc Masatsugu Ono viết văn làm tôi liên tưởng đến những người dân Việt Nam ngày xưa khi đào Địa đạo Củ Chi vậy”.

Một trải nghiệm mới mẻ về Nhật Bản

“Trái với vẻ ngoài sôi động và tươi tắn, tác phẩm “Tiếng hát người cá” của Masatsugu Ono lại mang một nỗi buồn hiu hắt, đìu hiu. Có lẽ chính vẻ đượm buồn, hiu hắt đó đã đem đến cho tác phẩm một không gian mới, một đất nước mới của Nhật Bản, khác hẳn với những gì tôi đã từng biết đến”- đó là chia sẻ của bác Bùi Hoàng Thái, một giáo viên về hưu ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Dịch giả Lâm Thương, người dịch trực tiếp tác phẩm này cho biết: Tiếng hát người cá lấy bối cảnh một làng chài hẻo lánh của Nhât Bản. Trong vùng đất bị biệt lập bởi biển và núi, những con người cũng biệt lập với thế giới, sống quẩn quanh với vô số những câu chuyện “ngồi lê đôi mách”. Những câu chuyện không đầu, không cuối ấy được kể bởi vô số cái miệng, như những mảnh ghép của trò chơi ghép hình, cần kỹ thuật lắp ghép để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh không chỉ về lịch sử các nhân vật mà còn về lịch sử của cả một xứ sở, một dân tộc. Thế nhưng không chỉ dừng lại ở đấy, càng lúc ta lại càng bị cuốn hút vào trò chơi xếp hình ấy, dần dần khám phá ra vô số câu chuyện về con người và lịch sử.

Tác giả ký tặng sách cho bạn đọc

Xuyên suốt các mảnh ghép, Ono luôn có những hình ảnh mang tính biểu tượng. Những biểu tượng ám ảnh, như quá khứ chưa bao giờ được quên đi, dù có những thế hệ khác đã lớn lên, trong vùng, trong làng, trên đất nước Nhật Bản.

Đối với Ono, có một Nhật Bản truyền thống đang mất đi, một Nhật Bản đã bị hủy hoại bởi cuộc chiến tranh trong quá khứ, giờ đây mang trong mình những vết thương đã hằn sâu.

Xin dùng một câu nói của nhà văn Pháp đã từng nói: “Tất cả những gì tôi muốn nói, tôi đã nói trong tác phẩm của mình rồi”. Và có lẽ Ono cũng muốn nói những gì về đất nước của mình trong tác phẩm “Tiếng hát người cá”./.

Masatsugu Ono sinh năm 1970, là Tiến sĩ nghệ thuật và khoa học Đại học Tokyo, Tiến sĩ văn học Đại học Paris 8, hiện đang giảng dạy văn học tại Đại học Meiji Gakuin.

Anh được biết đến với các tác phẩm: Ngôi mộ ngâm trong nước, Con tàu neo vịnh xôn xao, Ven rừng, Chiếc xe buýt mini, Mênh mông hơn cả đêm đen…; từng được các giải thưởng cây bút trẻ của báo Asahi lần thứ 12 (năm 2001), giải Mishima Yukio lần thứ 15 (năm 2002) và từng vào bảng đề cử giải thưởng danh giá Akutagawa lần thứ 139 (năm 2008).