Tối 29/6/2013, Jean Claude Gallotta, một trong những biên đạo múa hàng đầu của Pháp đã cùng các nghệ sĩ múa Nhà hát Quốc gia Grenob đã công diễn một buổi duy nhất vở “Nghi lễ mùa xuân” tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội.

Vở Nghi lễ mùa xuân do nhà soạn nhạc Igor Stravinsky sáng tác ở Paris và Vaslav Nijinsky biên đạo cho đoàn múa Les ballets russes cách đây đúng 100 năm. Sau buổi đầu ra mắt bị chỉ trích mạnh mẽ, tác phẩm này dần được công chúng đón nhận và ngày nay được xem là đại diện tiêu biểu của ballet đương đại. Đây được coi là một trong những vở múa ballet có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20 của nhà soạn nhạc Stravinsky. Chia sẻ với khán giả trước giờ diễn,  đại diện ưu tú nhất của múa đương đại Pháp Jean Claude Gallotta cho biết: "Đây là lần đầu tiên đoàn múa đến với Việt Nam – một đất nước thật tuyệt vời. Thông thường các điệu múa không có lời, mỗi một điệu múa là một bài thơ. Mỗi động tác là một vần thơ. Tác phẩm Nghi lễ mùa xuân kể về một cô gái bị chọn làm vật hiến tế cho thần mùa xuân. Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại dân chủ, người phụ nữ phải được bảo vệ, được tôn trọng. Trong xã hội, ai cũng phải được nói lên điều mình muốn. Tuy nhiên, tôi vẫn tôn trọng yếu tố cô gái bị hiến tế…  Vở diễn được trình diễn trên nền nhạc của Stravinsky..."

"Nghi lễ mùa xuân" đến Việt Nam trong hình thức múa đương đại. Vốn bản gốc đã gạt bỏ gần như hoàn toàn nét mềm mại, kiêu sa của ballet cổ điển, nhưng Jean-Claude Gallotta vẫn muốn kéo nó đến gần thế kỷ 21 hơn nữa bằng trang phục và phương cách dàn dựng.

Khi dựng lại vở ballet này, Jean-Claude Gallotta vẫn giữ nguyên nền nhạc gốc của Stravinsky, phần nhạc do đích thân nhà soạn nhạc chỉ huy và ghi âm, nhưng lần này 7 nữ diễn viên múa sẽ lần lượt vào vai Thánh nữ.

mua-phap-chao.jpg
Biên đạo múa hàng đầu của Pháp Jean-Claude Gallotta (áo đen ở giữa) cùng các nghệ sĩ múa Nhà hát Quốc gia Grenob

Nội dung vở múa nguyên bản được chia làm hai phần:"L’Adoration de la terre - Sự tôn thờ trái đất""Le Sacrifice - Sự hiến tế". Trong phần một của tác phẩm, Jean-Claude Gallotta chọn ‘‘đối thoại’’ với Igor Stravinsky bằng các động tác múa của diễn viên và không dùng nhạc. Dường như sự im lặng của phần mở đầu là bước chuẩn bị cho những cảm xúc dâng trào mãnh liệt ở phần hai. Ở đó, ‘‘cơn bão âm nhạc’’ của Stravinsky tràn đến, dâng cao, cuốn phăng mọi cảm xúc, đẩy lùi các ranh giới của cơ thể. Hai chương ngắn sẽ dẫn dắt khán giả trước khi vào trường đoạn nhạc hùng tráng tiếp theo. Cả ba chương đều tôn vinh nhà soạn nhạc Igor Stravinsky: một “Nghi lễ mùa xuân” rộn ràng, đầy nhiệt huyết.

Ngoài âm nhạc cũng rất khác thường với sự kết hợp của dân ca Nga, trường phái ấn tượng, tính phiêu lưu về mặt hòa âm..., hình thức của vở diễn cũng lạ lẫm và hấp dẫn với người xem. Không sử dụng trang phục cổ điển của ballet là quần chẽn cho nam giới và váy xòe bồng bềnh cho nữ giới, trong vở diễn, các vũ công không mặc lễ phục mà mặc quần jeans, áo phông bình dị, có những lúc vũ công nam nude bán thân nhưng không thấy sự dung tục. Trong diễn xuất, họ có những cử điệu rất “đời thường”, xen lẫn với các động tác đòi hỏi sự tinh tế và kỹ thuật cao. Vở diễn có tiết tấu khá nhanh, mạnh, đòi hỏi sự tập trung cao độ của các vũ công.

Quả thật, vở diễn đã cuốn hút người xem từ đầu đến cuối. Ít có khi cả Nhà hát Tuổi trẻ lại im lặng như vậy, tất cả các cặp mắt của khán giả đều dõi theo sự thăng hoa của các nghệ sĩ, cùng ngôn ngữ, biểu cảm của hình thể với những cử động của thân thể đầy biến ảo khôn lường.

Thật ấn tượng và đầy cảm xúc là những gì đọng lại với khán giả thủ đô sau buổi diễn. Anh Xuân Nguyên,  sống ở đường Yên Phụ chia sẻ: “Các nghệ sĩ Pháp biểu diễn thật điêu luyện, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Âm nhạc cũng thật đặc biệt. Vở múa đã toát lên được hơi thở của mùa xuân đang rộn ràng đến…”.

Còn chị Ngọc Liên sống ở Gia Lâm Hà Nội cho biết: "Lần đầu tiên tôi đi xem thể loại múa đương đại của Pháp. Thật ấn tượng. Tuy thể loại này còn xa lạ với khán giả Việt Nam và mặc dù không hiểu hết nội dung của vở diễn nhưng qua vũ điệu, các nghệ sĩ mang lại cho người xem những cảm xúc thật khó diễn tả. Tôi đã chăm chú xem từng động tác của họ. Họ đã hóa thân cùng với vở diễn, trong từng bước nhảy. Mồ hôi toát ra trên mặt, trên người các nghệ sĩ nhưng họ vẫn say sưa cống hiến cho khán giả. Thật đáng khâm phục!”.

Trước đó, vở “Nghi lễ mùa xuân” đã ra mắt công chúng tại TP HCM vào ngày 27/6 và cũng để lại nhiều ấn tượng sâu đậm nơi này.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ các hoạt động của năm Việt Nam - Pháp, kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (12/4/1973-12/4/2013).

Một vài hình ảnh của vở múa đương đại “Nghi lễ mùa xuân”:

Trong vở múa, các vũ công không mặc lễ phục mà mặc quần jeans, áo phông bình dị

Các nghệ sĩ múa Nhà hát Quốc gia Greno chào khán giả thủ đô trong những tràng vỗ tay vang lên không ngớt...