Không chỉ là khu căn cứ cách mạng nổi tiếng, xã Mường Chanh huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) còn được mọi người biết đến với đặc sản gạo nếp tan đặc biệt thơm ngon. Cùng với đó, bà con dân tộc Thái ở đây còn lưu giữ văn hóa ẩm thực vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng.

Trong đó, Bánh trưng đen - một trong những món ăn ngon ngày Tết không thể thiếu đối với người Thái Mường Chanh.

Người Thái Mường Chanh ở huyện Mai Sơn làm bánh chưng đen vào mỗi dịp Tết đến, xuân về để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và đất trời. Trước Tết khoảng một tháng, các gia đình trong bản đã rục rịch chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh chưng đen.

26docdao_peyv.jpgBánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của người gói bánh. - Ảnh: Báo Điện Biên

Theo những người già ở bản Cang Mường, để có chiếc bánh chưng đen vừa ngon, vừa đẹp mắt phải trải qua nhiều công đoạn như: chọn lá dong, nhân bánh, chọn gạo, đốt cây vừng đen để lấy bột than trộn vào gạo tạo màu đen và vị thơm cho bánh…

Cây vừng đen cũng là nguyên liệu quan trọng để tạo nên màu sắc và hương vị của bánh chưng đen. Cây được đem về phơi khô, đốt thành than. Sau đó lựa, giã thành than mịn như bột rồi trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu, bánh mới ngon.

Còn lá dong rửa sạch rồi lau cho thật khô, cắt bớt gân cho lá mềm, khi gói lên bánh mới đẹp. Cũng là nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ, thịt lợn chọn miếng có nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp gia vị cho vừa ăn nhưng trong nhân bánh người Thái trộn thêm than cây vừng đen tạo vị ngon khác biệt với loại bánh chưng thông thường.

Bà Hà Thị Long, bản Cang Mường, xã Mường Chanh cho biết: “Từ nhỏ chúng tôi đã thấy bố mẹ, ông bà gói bánh chưng đen. Đến bây giờ, người Thái ở Mường Chang chúng tôi không thể thiếu loại bánh này để thắp hương cúng tổ tiên. Tuy nhiên, bây giờ cây vừng đen đã hiếm đi nhưng nhà nào cũng cố gắng tự trồng hoặc chia nhau mỗi nhà một ít để gói bánh thắp hương và đãi khách”.

Chiếc bánh chưng đen có hình tròn, dài hoặc bánh lưng gù được gói lên thể hiện được sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Thái. Đặc biệt, bánh lưng gù có phần lưng lồi lên giống như hình đỉnh núi và được bao quanh bởi 6 đường lạt dài chạy dọc thân bánh. Bánh có phần gù càng cao, cân đối thì càng đẹp.

Theo tục lệ của người Thái, trước đây, gói bánh chưng đen là một trong những tiêu chí để lựa chọn nàng dâu. Người Thái quan niệm, con gái phải biết gói bánh chưng đẹp, khi bóc ra bánh phải đen ánh, có độ dẻo quánh và lúc thưởng thức thì bánh có đủ vị thì mới là người con gái khéo léo, đảm đang, sẽ là người vợ hiền, người con dâu tốt.

Sự tinh tuý trong chiếc bánh chưng đen thể hiện ở sự kết hợp giữa hương vị thơm ngon của gạo nếp, của nhân bánh có trộn hoa vừng đen. Với vị thơm ngon đặc biệt, bánh chưng đen đã trở thành “đặc sản” của người Thái Mường Chanh.

Cô giáo Nguyễn Khánh Vân, trường Tiểu học Cang Mường cho biết: “Tôi dạy học ở đây cũng đã được thưởng thức món bánh trưng đen và thấy rất ngon, bánh chưng đen có mùi thơm khác biệt. Thế nên, Tết năm nào tôi cũng đặt mua bánh trưng đen ở đây về làm quà cho ông bà nội, ngoại để làm phong phú thêm hương vị ngày Tết cho gia đình”.

Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của người gói bánh. Cùng với các sản vật như lợn, gà do bà con tăng gia, sự có mặt của bánh chưng đen trong mâm cơm thờ cúng tổ tiên sẽ thể hiện được sự ấm no của gia đình trong năm mới./.