Ngày nay, mọi người không mấy mặn mà với việc gói bánh chưng, bánh tét mỗi khi Tết về, bởi công việc bận rộn, nhà cửa chật chội, và sẵn dịch vụ cung cấp bánh chưng, bánh Tét, với đủ loại, đủ kiểu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình ở thành phố Nha Trang duy trì được truyền thống gói bánh chưng, bánh tét để lễ gia tiên trong 3 ngày Tết. Dù công việc bận rộn, nhưng hầu như năm nào, gia đình ông Vũ Đức Sơn cũng quây quần, cùng nhau chẻ lạt, gói bánh chưng, bánh tét. Mỗi người mỗi việc. Người ngâm gạo, vo đậu; người thái thịt, chẻ lạt; các cháu nhỏ được phân công lau rửa lá dong, lá chuối… Ồn ào, bận rộn, nhưng thật vui, bởi trong năm, hiếm khi cả gia đình được quây quần, cùng nhau làm một công việc chung như thế này. Hơn thế, đây cũng là dịp để cho các con, các cháu hiểu thêm về truyền thống của dân tộc, về nguồn gốc của chiếc bánh chưng và tấm lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu.
Ông Vũ Đức Sơn tâm sự: “Mỗi lần gói bánh, lại có dịp hướng dẫn cho các cháu ý nghĩa của việc làm bánh, của chiếc bánh. Chỉ cho các cháu biết một chiếc bánh chưng ngon phải có đỗ, có hành, thịt heo, phải gói làm sao, đun như thế nào để bánh rền, ngon”.
Ngày nay, với những dịch vụ cung cấp bánh chưng, bánh tét xuất hiện ở khắp nơi, thì truyền thống tốt đẹp này dường như ngày càng mai một. Nhưng đối với nhiều gia đình, tuy bánh chưng, bánh tét mua, hay đặt ăn cũng ngon, gói cũng khéo, nhưng vẫn không thơm ngon bằng hương vị chiếc bánh do tự tay mình vo gạo, gói lấy.
Cùng ngồi hàn huyên, chơi đùa với con cháu khi chờ bánh chín. Cùng nhau vớt những chiếc bánh nghi ngút khói ra khỏi nồi, để cảm nhận hương thơm ngạt ngào của lá dong, của gạo nếp, của thịt heo, đậu xanh quyện lẫn vào nhau… như thế mới ra Tết! Như thế mới cảm nhận hết được cái không khí ấm áp, sum vầy của gia đình trong những ngày đầu xuân mới!
Nhà anh Vũ Quang Khởi ở thành phố Nha Trang cũng tổ chức gói bánh. Anh Khởi tâm sự: “Ngoài thị trường có rất nhiều loại bánh, tính ra giá cả cũng không chênh nhiều, chất lượng cũng đảm bảo, nhưng đối với những gia đình không có điều kiện gói, nấu thì chấp nhận mua, còn những gia đình có điều kiện nên tổ chức gói bánh. Thông qua việc gói bánh để giáo dục con cháu nhớ đến truyền thống, suy nghĩ đúng hơn về cuộc sống hiện tại, hơn là mình đi mua sắm sửa soạn tết như là một nghĩa vụ”.
Cuộc sống không ngừng đổi thay, nhưng việc lưu giữ và nối truyền chuyện gói bánh chưng, bánh tét trong dịp Tết cổ truyền, âu cũng là một phần không thể thiếu trong nét văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Mặc dù xu hướng sắm Tết kiểu "công nghiệp" đang ngày càng phổ biến, nhưng với gia đình ông Vũ Đức Sơn, thiếu nồi bánh chưng tự nấu, hương vị ngày Tết ít nhiều sẽ nhạt đi./.