Di sản sẽ không thể tồn tại mãi với những giá trị nguyên gốc của nó nếu những giá trị ấy không được quý trọng, bảo vệ, thực hành và lưu truyền trong tâm khảm của từng cá nhân, trong lối sống của từng gia đình, từng nhóm cộng đồng và cả dân tộc Việt Nam.
Đối với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, liệu phong tục thờ cúng tổ tiên, phong trào đi lễ đền Hùng đông đảo có giúp vấn đề phát huy và bảo tồn dễ dàng hơn hay không?
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Minh Lý, nguyên Cục Phó Cục Di sản thuộc Bộ VH,TT&DL, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy di sản thuộc Hội Di sản Việt Nam. Bà Lý đã từng tham gia làm hồ sơ, đệ trình và bảo vệ thành công nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
PV:Thưa bà, sau khi UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta có tổng cộng 14 di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, đối với người dân Việt Nam, nhận thức về giá trị di sản chưa thực sự lớn như cần thiết, điều này có đúng không thưa bà?
Bà Lê Thị Minh Lý: Tôi cho rằng điều đó có phần đúng. Hiện có 2 xu hướng, một xu hướng cho rằng chúng ta đang đề cử quá nhiều di sản như thế làm hạ giá trị đi. Tôi cho rằng điều này không đúng, vì mỗi di sản có giá trị của nó, nhiều không phải là làm mất giá trị mà quan trọng là chúng ta nhận thức được giá trị của di sản đó và có cách thức riêng để bảo vệ.
Bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc TT nghiên cứu và phát huy di sản - Hội Di sản Việt Nam. |
Xu hướng thứ hai là nghĩ rằng phải đề cử thật nhiều di sản nếu không nước khác sẽ đề cử mất. Điều này cũng sai. Sẽ là tốt nếu có một thế giới đa dạng có nhiều di sản và mỗi quốc gia, dân tộc thấy được cái chung cũng như cái riêng của mình ở trong cái chung đó.
PV:Vậy thì theo bà, đâu là bí quyết thành công của một số nước khi họ có thể nhận thức rất rõ và cùng tham gia với nhà nước, với cộng đồng vào việc bảo vệ và phát huy các di sản của đất nước họ?
Bà Lê Thị Minh Lý: Cái tôi thấy phải học họ là người ta nhìn di sản rất cụ thể, thực tiễn, nhận dạng ra những giá trị và chỉ ra các biện pháp hữu ích gắn liền với đời sống cộng đồng để bảo vệ.
Chúng ta nhiều khi có xu hướng nhìn di sản quá lớn, quá to tát nên các chương trình đề ra quá là hoài bão, trong khi đó phải bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, bắt đầu từ những người nắm giữ di sản, phải làm cho họ hiểu đấy chính là cái quan trọng của họ, giữ được di sản sẽ đem lại lợi ích này, lợi ích khác, từ đó việc bảo vệ di sản sẽ đời sống hơn, thực hơn, hơn là những chương trình hoành tráng nhưng không có người làm vì không gắn liền với chủ thể.
Một số nước khác cũng thành công ở tính chất nhà nước hóa để bảo vệ di sản, nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư cho các di sản nhưng thực tế chính họ cũng không thấy thế là đúng, vì có thể đầu tư quá nhiều cho một số di sản nhưng lại bỏ sót những di sản khác có thể đời thường nhưng phổ biến và gần gũi với người dân.
Do đó phải có cái nhìn toàn diện, và đặc biệt phải biết gắn liền các giá trị vật thể và phi vật thể. Riêng điều này chúng ta làm còn chưa thực sự hiệu quả.
PV:Đối với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không nằm trong danh sách cần bảo tồn khẩn cấp và được số lượng đông đảo người Việt chúng ta thực hành. Vậy thì việc bảo tồn nó có khác gì với việc bảo tồn các loại hình khẩn cấp và không được nhiều người thực hành hay không?
Bà Lê Thị Minh Lý: Tôi nghĩ trong di sản này có đâu đó tính khẩn cấp. Tức là có thể có những người thực hành nhưng không hiểu hết mình thực hành vì những mục tiêu thế nào và làm thế nào để bày tỏ điều mà mình hướng tới.
Ví dụ, nhiều người đến đền, chùa để lễ nhưng rõ rằng không phải là đã hiểu hết chúng ta hướng vào cái gì, vì sao phải lễ và lễ như thế nào. Chúng ta phải xem xét kỹ xem mọi người đã hiểu thực sự về di sản đó chưa, và phải làm thế nào cho họ hiểu hơn, để thế hệ này truyền cho thế hệ khác với tinh thần làm sao giữ được các giá trị cốt lõi, chứ không phải sự vay mượn hay một sự sáng tạo trong nghĩa là đang thêm thắt vào làm cho nó rườm rà, khó hiểu, nó bị thành phong trào.
PV:Nếu bây giờ, khi về nhà và được hỏi biện pháp đầu tiên phải làm để phát huy các giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì bà sẽ nói đến biện pháp nào?
Bà Lê Thị Minh Lý: Biện pháp đầu tiên cần làm là chúng ta sẽ gặp gỡ cộng đồng, cùng trao đổi và nói cho họ biết vì sao di sản này trở thành di sản của nhân loại và là di sản của nhân loại thì trách nhiệm và nghĩa vụ phải như thế nào.
Trước tiên là cộng đồng chủ thể đang nắm giữ văn hóa đó. Họ cần hiểu rằng giá trị di sản ở đâu và nếu chúng ta làm sai đó, có thay đổi không phù hợp hoặc không đúng sự mong muốn của cộng đồng, nó sẽ tự làm giảm giá trị của di sản và sẽ ảnh hưởng đến chính danh hiệu mà chúng ta đang có.
Thứ hai là phải tương tác, đối thoại với những người trẻ tuổi vì tôi cho rằng họ không hiểu nhiều lắm về những nghi lễ thực hành và cái cách mà họ phải tham gia vào tập quán đó.
Chúng ta phải gắn truyền thuyết, tập quán rất ý nghĩa và to lớn ấy với tập quán hàng ngày ở trong gia đình, đó là thờ cúng tổ tiên. Đâu đó giữa tập quán của các dân tộc với truyền thống gia đình có sợi dây liên kết với nhau, và như thế nó mới tạo đời sống thực hàng ngày, nó được thực hành một cách có ý niệm và phổ biến.
PV:Có một thực tế là giới trẻ không biết nhiều về di sản, thậm chí có người không hiểu khác biệt giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều người đổ lỗi cho giáo dục, nhưng đúng như bà nói, nếu không đi từ gốc rễ, thì có biến thành một môn học trong trường cũng khó có thể làm cho họ hào hứng tiếp nhận được.
Bà Lê Thị Minh Lý: Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng giáo dục di sản phải là một môn học riêng, phải giáo dục đầy đủ. Nhưng gần đây Bộ GD&ĐT cũng đã có một chương trình giáo dục kiến thức địa phương.
Tôi nghĩ, không nhất thiết tất cả các trẻ em đều phải học về một số di sản nào đó mà hãy làm cho các em trước hết hiểu di sản địa phương mình, của chính cộng đồng mình đang chia sẻ đang chung sống.
Chúng ta cứ nghĩ rằng phải có một chương trình riêng biệt và sẽ làm năng thêm khung chương trình các em đã phải gánh. Chúng tôi cũng nghiên cứu để làm sao các kiến thức di sản có thể tích hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt các giá trị di sản với những chuẩn giáo dục, để hai bên gặp nhau, có như vậy chương trình giáo dục mới lâu dài được.
Người giáo viên phải hiểu di sản, hiểu cách giáo dục di sản và Bộ GD&ĐT phải có cơ chế để các giáo viên có thể áp dụng những sáng tạo của họ trong giảng dạy. Bằng việc khai thác một cách linh hoạt những giá trị di sản xung quanh nhà trường, những kiến thức ấy mới ngấm dần và lâu dần chúng ta sẽ có những thế hệ hiểu di sản từ bé.
PV:Xin cảm ơn bà!./.