Nhiều vở diễn tại Liên hoan đã thể hiện thành công chất hiện thực, tính thời sự nóng bỏng, tầm nhìn và khả năng dự báo của tác giả. Chẳng hạn sự suy thoái đạo đức trong ngành giáo dục trong vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn tại Liên hoan, là một hiện tượng không phổ biến những năm 80 của thế kỷ trước nhưng ngày nay đã trở thành một vấn nạn nhức nhối.
Chương trình biểu diễn chào mừng Ngày sân khấu VN và Tổng kết Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ |
Tại lễ trao giải Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ diễn ra sáng nay (16/9) tại Hà Nội, nhà lý luận phê bình sân khấu Hồ Thi, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo tại Liên hoa cho biết: “12 vở diễn tham dự Liên hoan không hoàn toàn là những vở tiêu biểu, xuất sắc nhất của tác giả Lưu Quang Vũ mà phần lớn là những vở đã được dàn dựng từ lâu ở các đơn vị nghệ thuật”.
Nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, với các vở của Lưu Quang Vũ lại càng có sự đòi hỏi cao hơn khi dựng lại chúng. Nhiều vở diễn, nghệ thuật đạo diễn và diễn xuất đã đặt ra nhiều điều suy nghĩ. Nổi cộm trong đó là sự thiếu vắng các tài năng đạo diễn trẻ, có khả năng tiếp bước các bậc đàn anh. Điều này thể hiện rõ ràng nhất là trong Liên hoan, số vở được dàn dựng phần lớn chưa thoát được bóng dáng của các vở diễn trước đây.
Điển hình như ở vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Kịch Việt Nam do quá bám sát kịch bản, thiếu những tìm tòi thể hiện mới, dẫn đến thiếu những lớp cao trào để tạo ra những phút thăng hoa cho diễn viên. Cách lý giải chủ đề không mới, thông điệp khán giả tiếp thu được quá lộ liễu. Do đó, dù nghệ sĩ có nhiều cố gắng cũng không đem lại những hiệu quả nghệ thuật cần thiết.
Trao giải cho các tập thể, cá nhân đoạt giải |
Nhà lý luận phê bình sân khấu Hồ Thi đánh giá: “Số vở có những sáng tạo, tìm tòi mới lạ, với những dàn cảnh táo bạo, đẹp, thể hiện được nội dung bằng sự tổng hợp các yếu tố nghệ thuật khác nhau thành một vở diễn thống nhất và hoàn chỉnh còn quá ít. Một số vở sân khấu quá sơ sài, hầu như trống trơn, có vở lại ước lệ một cách khó hiểu, gần như đánh đố mọi người về không gian sân khấu”.
Ban tổ chức Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ đã trao 16 giải vàng, 34 giải bạc cho diễn viên tham dự và 1 giải đạo diễn cho NSƯT Chí Trung với vở “Mùa hạ cuối cùng”. Trong đó nhiều giải Vàng, Bạc được trao những vai diễn mờ nhạt ít được nhắc đến, khiến nhiều khán giả của Liên hoan tỏ ra quan ngại.
Lý giải về điều này, nhà văn Chu Lai, Trưởng Ban sáng tác Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: “Liên hoan được phép trao 35% số giải, tức là được phép trao 63 giải trong 149 diễn viên ở tất cả các đoàn. Nhưng đến 2 giờ đêm qua, Hội đồng Giám khảo dừng lại ở con số 51, tức là đã chọn lọc chứ không để tình trạng mưa huy chương. Có những vai rất mờ, rất phụ nhưng tạo nên được một màu sắc của sân khấu, thì nó sánh ngang được với những vai có lời”.
Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ là liên hoan đầu tiên về một tác giả đã có nhiều đóng góp cho sân khấu Việt Nam hiện đại. Đây không chỉ là một sự vinh danh một nghệ sĩ tài hoa mà còn là dịp để ngành sân khấu nhìn lại thực trạng sân khấu hôm nay qua lăng kính thời gian để có thể rút ra những bài học cho sự phát triển sân khấu Việt Nam.
Điểm sáng tại Liên hoan có lẽ là sự xuất hiện của một đội ngũ diễn viên trẻ, nhiệt tình và sáng tạo. Nhiều vai diễn đã thoát ra khỏi những lối mòn quen thuộc, xây dựng thành công hình tượng nhân vật đặc trưng cho sân khấu hôm nay. Liên hoan cũng ghi nhận sự có mặt nồng nhiệt của khán giả trong cả nước, tạo lên một làn sóng mới cho sân khấu phía Bắc sau nhiều năm vắng khán giả./.