Thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia - GS Lưu Trần Tiêu xác nhậnvà cho biết thêm, đã nhận thông tin này qua bản fax vào khoảng hơn 15h chiều qua 16/5.

moc-ban.jpg

Được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm, những mộc bản này được khắc vào nhiều thời điểm khác nhau, là tư liệu phản ánh những tư tưởng quan trọng trong triết lý Phật giáo Việt Nam. Các mộc bản có kích thước không đồng đều. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1 m, rộng 40-50 cm. Bản nhỏ nhất khoảng 15 x 20 cm. Một số ván in có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt thể hiện triết lý Phật giáo. 

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có tất cả 3.050 bản khắc gỗ với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại. 

Tất cả các mộc bản này đều do nhiều nghệ nhân khu vực đồng bằng sông Hồng thực hiện khắc vào giai đoạn từ thời vua Tự Đức đến đời vua Bảo Đại. Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang từng là một trung tâm Phật giáo, nơi phát tích Tam tổ phái Thiền Trúc lâm của Phật giáo Việt Nam.