Tối qua (12/4) đêm nhạc chính của Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2013 đã diễn ra tại sân của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam với các màn trình diễn nhạc điện tử sống động của các nghệ sỹ tên tuổi đến từ Nhật Bản, Anh, Áo, Thụy Điển và Việt Nam. Liên hoan còn có sự tham dự của ca sỹ Thanh Lam, Tùng Dương và nghệ sỹ Đào Anh Khánh trong vai trò khán giả.

img_8952.jpg
Ca sỹ Thanh Lam và nghệ sỹ Đào Anh Khánh tham dự Liên hoan (ảnh: Thu Linh)

Mỗi một tiết mục của các nghệ sỹ trong đêm diễn đều mang đến những sắc màu độc đáo khác lạ bằng các thể nghiệm nghệ thuật ở âm thanh được mở rộng không giới hạn. Mặc dù nhạc điện tử được biết đến là dòng nhạc có tính cách tân nhất, nhưng lại có khả năng kết hợp với hầu như tất cả các thể loại, các dòng âm nhạc khác, từ dân gian, cổ điển tới đại chúng đương đại để tạo ra những tiểu thể loại mới mẻ.

Vì thế, các nghệ sỹ đã thể hiện những sáng tạo trong cách thức trình diễn, nhằm xóa nhòa ranh giới phân biệt giữa âm nhạc và âm thanh. Ở đây, âm nhạc không được thể hiện theo nhịp điệu thông thường mà mang tính thể nghiệm, hòa trộn với những âm thanh để tạo nên sự đột phá.

Sự hòa trộn khác lạ này ban đầu có thể khiến người xem cảm thấy khó cảm, nhưng nếu lắng nghe kỹ càng, có thể dễ dàng bắt gặp đâu đấy những mảnh ghép mang chất liệu từ âm thanh quen thuộc của đời sống thường nhật, đơn giản như tiếng gà gáy của buổi sớm mai, tiếng còi xe inh ỏi trên đường, tiếng người lào xào những câu chuyện, hay tiếng loa vang vọng từ sân ga tàu… trong hai màn diễn mở đầu của nghệ sỹ người Anh - Horacio Pollard và nghệ sỹ người Áo – Richard Eigner.

Nghệ sỹ người Anh - Horacio Pollard mở màn đêm diễn (ảnh: Thu Linh)

Chất liệu tạo nên âm nhạc không phải minh chứng duy nhất cho tính sáng tạo ở các tác phẩm. Thể nghiệm trong cả phương thức trình diễn nhạc còn là điều mang đến sự mới lạ tưởng chừng có phần “dị biệt” với âm nhạc nhưng nhiều bất ngờ và cũng nhiều tò mò đối với khán giả. Để thưởng thức một tác phẩm âm nhạc trên sân khấu, khán giả không chỉ được nghe mà còn có thể được nhìn, được thấy thông qua những hình ảnh trình chiếu của các bộ phim và những đoạn video-art như ở màn trình diễn kết hợp cùng phim câm “Hanoi – The sound we see” hay ở màn “Six tones with Guest”.

Sự kết hợp giữa nhạc cụ hiện đại và nhạc cụ truyền thống của Việt Nam trong màn diễn "Six tones with Guest" (ảnh: Hoài Không)

Đặc biệt, trong màn diễn cùng phim ngắn về Hà Nội, những âm thanh được thể hiện tạo nên một bản phối dường như có phần khá ma mị, nhưng lại góp phần lột tả những khía cạnh vừa có phần thân thuộc, vừa có phần hoài niệm, lại có phần bức bối, và cảm giác ẩn chứa đầy toan tính trong con người và nhịp sống không ngừng biến chuyển của thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, sáng tạo ở chính những công cụ nhạc cũng là yếu tố thú vị góp phần tạo nên những trải nghiệm âm nhạc khác biệt. Từ những thiết bị điện tử hiện đại kết hợp cùng những công cụ nhạc truyền thống của Việt Nam, người xem thậm chí càng bất ngờ khi nhận thấy chính con người cũng có thể trở thành một công cụ sống của âm nhạc trình diễn. Nghệ sỹ Nhật Bản – Daito Manabe đã chứng tỏ cho người xem thấy rõ điều ấy.

Màn trình diễn độc đáo của nghệ sỹ Nhật Bản - Daito Manabe (ảnh: Hoài Không)

Với những sợi dây điện được gắn trên khuôn mặt, Daito khiến nét mặt trở nên biến chuyển theo nhịp nhạc. Màn diễn còn có sự góp mặt thử sức của nghệ sỹ Đào Anh Khánh. Sử dụng công cụ điện làm thay đổi nét mặt cũng chính là điểm nổi bật nhất trong phong cách trình diễn rất riêng của Daito, khiến người xem vừa giật mình lại vừa cảm thấy bất ngờ.

Trong khi đó, “kẻ lập dị ồn ào” Leafcutter Pollard của Anh lại thể hiện sở trường trình diễn âm thanh với ánh sáng từ những cây đèn cầm tay. Trong bóng tối, ánh sáng khiến người xem thấy giống như đang “nhảy múa” theo từng nhịp nhạc, và đồng thời cũng giống như những con rối được anh điều khiển tài tình. Pollard còn thể hiện cả những giai điệu của thể loại mới - neigh music do chính anh tạo nên bằng nhạc điện tử kết hợp cùng lời hát mộc.

Leafcutter Pollard có nhiều sáng tạo thú vị về âm thanh kết hợp cùng ánh sáng (ảnh: Hoài Không)

Nhạc sỹ Trí Minh – nhà tổ chức và sáng lập Liên hoan Âm thanh Hà Nội từ năm 2008 tỏ ra hài lòng với những màn diễn của các nghệ sỹ diễn ra đêm qua. Mặc dù vậy, anh vẫn nhấn mạnh nhạc thể nghiệm vẫn là thể loại khó tiếp cận đến gần với công chúng Việt Nam một cách nhanh chóng, khó để công chúng đều cảm nhận và yêu thích được đông đảo từ ban đầu. Nhưng qua các màn diễn hết mình của những nghệ sỹ trong và nước ngoài, Trí Minh bày tỏ hy vọng công chúng sẽ hiểu rõ hơn và đón nhận hơn những sáng tạo mới trong cống hiến nghệ thuật của người nghệ sỹ. Bởi trên thực tế, nhạc thể nghiệm đã không còn quá xa lạ đối với nhiều khán giả trên thế giới.

Qua đây, Liên hoan Âm thanh còn nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, mà cụ thể là đẩy mạnh sự hợp tác giữa âm nhạc trong nước với nước ngoài, đặt mình vào xu thế phát triển chung của nền âm nhạc quốc tế để góp phần giúp âm nhạc nước ta khẳng định được vị trí của mình. Ngoài ra, cũng giúp công chúng có được cái nhìn tiếp cận mới về âm nhạc đương đại, có thêm những lựa chọn đa dạng trong việc thưởng thức các tác phẩm âm nhạc nói chung và nghệ thuật nói riêng./.