Sáng 12/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã chủ trì buổi họp báo Sơ kết công tác tổ chức và quản lý Lễ hội đầu năm 2014 với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTT&DL.

Lễ hội hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định, việc tổ chức lễ hội đầu năm 2014 đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, ổn định, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi thu hút du khách. Ngay từ đầu năm, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức trước, trong và sau lễ hội được triển khai tích cực. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận bất cứ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Tuy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhưng về cơ bản, lễ hội đầu năm nay diễn ra quy củ và nề nếp hơn hẳn so với các kỳ lễ hội của các năm trước đây.

1_copy.jpg
Người dân đến tham dự lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định) (Ảnh: Quang Trung)

Cụ thể, công tác an ninh trật tự được đảm bảo trong suốt những ngày diễn ra lễ hội trên cả nước với sự tham gia, phối hợp đầy đủ của các lực lượng chức năng quản lý và tổ chức lễ hội. Ban Quản lý di tích các lễ hội lớn như Đền Hùng (Phú Thọ), Đền Trần (Nam Định), Chùa Hương (Hà Nội) ứng trực 100% quân số ngay từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Ngọ để phục vụ khách tham quan, vãn cảnh, hành lễ…

Theo đánh giá của Bộ VHTT&DL, đến nay, lễ hội trên cả nước diễn ra an toàn, không có vụ việc, tiêu cực lớn xảy ra. Những lễ hội lớn như Hội Lim (Bắc Ninh), Yên Tử (Quảng Ninh), hội Chùa Hương (Hà Nội)… được đánh giá là quy củ và nề nếp hơn so với năm ngoái.

Nhiệm vụ đột phá trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014 là sử dụng hợp lý, đúng mục đích tiền có mệnh giá nhỏ trong việc đặt tiền lễ, tiền công đức được các Cấp ủy, Chính quyền các địa phương triển khai thực hiện và bước đầu đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Dịch vụ đổi tiền không còn phổ biến như trước đây. Việc bố trí hòm công đức, thu gom tiền lễ đúng quy định. Hiện tượng đặt tiền lên tay tượng, Phật, rải tiền xuống giếng đã giảm đi rõ rệt.

Theo ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội từng bước được nâng cao, không còn phổ biến những hình ảnh phản cảm như trước. Chất lượng phục vụ du khách gắn với phát triển du lịch được nhiều địa phương quan tâm và thực hiện tốt.

Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở

“Hoạt động lễ hội đầu xuân Giáp Ngọ đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, với tinh thần quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ VHTT&DL được các Cấp ủy, Chính quyền và địa phương phối hợp chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, tạo nên khí thế vui tươi trong cộng đồng, đảm bảo an toàn cho du khách” – ông Vương Duy Bảo nói.

Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, công tác tổ chức và quản lý Lễ hội đầu năm 2014 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Nhiều lễ hội vẫn để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, cờ bạc trá hình; giao thông tắc nghẽn; vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo… Việc thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội chưa cao, hiện tượng ăn xin, bán tăm từ thiện, chèo kéo khách, xem tướng vẫn còn diễn ra công khai tại một số di tích, lễ hội như Chùa Keo (Thái Bình), Phủ Tây Hồ, Đền Đức Thánh Ca (Hà Nội), Phủ Dày (Nam Định)…

Mặc dù dịch vụ đổi tiền lẻ, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội như Đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh) với hoạt động đổi tiền lẻ gây nhức nhối suốt nhiều năm qua. Tiền lễ, hoa dâng lễ, gạo muối ở một số nơi chưa được thu gom kịp thời làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm nơi thờ tự.

Cảnh chen lân xô đẩy tại Lễ hội Đền Trần, Nam Định (Ảnh: Quang Trung)

Ngoài ra, việc quy hoạch hàng quán dịch vụ trong khu vực lễ hội, di tích chưa được chú trọng kịp thời, việc bán hàng rong sát di tích, bãi đỗ xe tràn lan, hét giá… vẫn còn tồn tại và mang tính mùa vụ.

Trước những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội nêu trên, ông Vương Duy Bảo cho rằng chính quyền sở tại của các địa phương cần phối hợp với Ban Quản lý Di tích, Bộ VHTT&DL vào cuộc quyết liệt để giải quyết triệt, góp phần nâng cao chất lượng lễ hội. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, lễ hội, đưa các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian làm phong phú trong phần hội. Hướng dẫn cụ thể người dân trong việc đặt tiền lễ, đồ lễ, thắp hương, đốt vàng mã… đúng nơi quy định.

Ban tổ chức lễ hội cần kiên quyết loại bỏ hàng quán, dịch vụ kinh doanh, chơi trò chơi, điểm trông giữ xe gây ảnh hưởng đến không gian lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường…

Việc tăng cường công tác quản lý lễ hội là yếu tố quan trọng để đẩy lùi các hoạt động tiêu cực tại các lễ hội, mang lại đấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc./.