Độc đáo bởi đối tượng của lễ hội được dành cho các “quan” và những người ở vào vị trí dễ tham nhũng.

Đối lập bởi tính độc đáo và giá trị văn hoá tuyệt vời là thế nhưng một bên thì hoành tráng, đông đúc đến mức phải huy động 2000 người làm công tác trật tự mà vẫn vỡ trận, một bên thì vẫn chỉ ở qui mô thôn làng. Tâm thế của người tham gia lễ hội một bên thì bị dư luận và báo chí phê phán, một bên thì được ca ngợi và mong muốn nâng lễ hội lên tầm quốc gia.

Đó là lễ khai ấn đền Trần, Nam Định và lễ Minh thề, Hải Phòng.

1. Trong hàng trăm năm, lễ khai ấn đền Trần chỉ tổ chức qui mô nhỏ, giới hạn trong những hậu duệ nhà Trần để tái hiện lại một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Ấy vậy mà ngày nay, người ta bắt tay vào “công việc” năm mới bằng việc tranh giành. Đêm khai ấn, ban tổ chức cho biết chỉ có 1000 người được nhận thẻ vào dự lễ khai ấn để đảm bảo lễ rước, đóng ấn trang nghiêm, trật tự. Nhưng trên thực tế, theo như phản ánh của báo chí vào thời điểm khai ấn, trong sân đền Thiên Trường, Cố Trạch có tới gần vạn người. Và cảnh tượng thiếu văn hoá ở một nơi trang nghiêm lại tái diễn...

Đáng chú ý là nhiều người có thẻ để tham dự là quan chức và người có vai vế. Vậy mà ai cũng cố gắng chen lấn, tranh giành để yên tâm kiểu gì cũng sẽ “được phù hộ” cho cả một năm.

19.jpg
Cảnh chen lấn "cướp" lộc và đồ thờ trong đền Thiên Trường sau lễ đóng ấn. Ảnh: Quang Trung

2. Cùng ngày, có một lễ hội được chào mời nhưng không mấy “quan” mặn mà. Đó là lễ hội Minh thề với lời thề sống trung thực, không tham nhũng ở làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, Hải Phòng).

Thế kỷ 16, vợ của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung là bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã vận động hoàng thân, quốc thích góp tiền tu sửa chùa cổ Hoà Liễu, mua đất cúng Tam bảo được hơn 47 mẫu ruộng. Những người được cấp ruộng phải chia lợi nhuận để lo hương đăng trong chùa, sửa chữa đường sá... Vì vậy, bà Thái hoàng Thái hậu cùng với dân làng bàn cách giữ gìn của công bằng tín ngưỡng dân gian: lễ hội Minh thề ra đời.

“Thề lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử!". Ảnh: Lao Động

Hịch văn Minh thề có đoạn: “Thề lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! …mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét…Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin trời tru diệt”.

Trong khi cả nước biết bao nhiêu lễ hội, chỗ nào cũng cầu danh cầu lợi thì tại hội Minh thề, người đến đây để ràng buộc mình với lời thề sống ngay thẳng, không tham nhũng.

Một ngày đẹp trời, có khi nào xảy ra chuyện muôn người thập phương đổ về hội Minh thề như đến với lễ phát ấn đền Trần không nhỉ?

3. Hai lễ hội cùng ngày, có chung đối tượng. Tuy nhiên, tư thế của các “quan” tham gia hai lễ hội này khác hẳn nhau. Một bên là chầu trực tranh cướp, sẵn sàng bỏ tiền ra mua và một bên là không tham dự và nếu có được mời uống rượu thề cũng…từ chối như đã từng không ít lần diễn ra trong lịch sử hội Minh thề.

Có thể đó là lí do vì sao lễ hội Minh thề, từng được triều đình nhà Nguyễn sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” vào thế kỷ 19, độc đáo như thế, được lòng dân như thế nhưng đến nay vẫn chỉ được tổ chức ở qui mô thôn làng.

Trong ngày xuân chúng ta còn có một lễ hội đẹp như lễ Tịch điền. Khi đó các vua quan lần lượt xuống ruộng cày một vài đường đất nhằm khích lệ nông dân phát triển nông nghiệp đặc biệt là phát triển nông nghiệp lúa nước. Vài năm trở lại đây, Chủ tịch nước đã tham dự và đích thân cày ruộng vào gieo hạt trong sự vui mừng, phấn khởi của nông dân cả nước.

Khi tham nhũng được coi là một quốc nạn, nên chăng chúng ta học tập biện pháp chống tham nhũng rất độc đáo của cha ông ngày xưa?./.