Hỗn loạn, bát nháo, thậm chí là giẫm đạp nhau gây thương tích tại lễ hội cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ); tranh nhau cướp lộc, cướp đồ lễ lấy ấn ở lễ khai ấn đền Trần (Nam Định); cùng cọ tiền vào khánh đồng trên chùa Yên Tử (Quảng Ninh) cầu tài lộc, ẩu đả dẫn đến giết người ở chùa Hương Tích (Hà Tĩnh)… Đó là những mặt trái trong hành vi tín ngưỡng của nhiều người tham gia đi lễ, hành hương đầu Xuân 2014 này. Nhưng nguyên nhân, bản chất của những vấn đề này là gì? Phóng viên VOV online đã có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam – PGS.TS Nguyễn Văn Huy, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản để hiểu rõ hơn về vấn đề.

"Không thể đánh đồng hành vi rối loạn tín ngưỡng là mê tín"

PGS.TS Nguyễn Văn Huy
PV: Thưa ông, có nhiều lễ hội và hoạt động vẫn diễn ra hàng năm nhưng ngày càng trở nên “biến tướng” và xuất hiện nhiều mặt trái trong hành vi tín ngưỡng. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tôi đã từng tham dự nhiều lễ hội. Gần đây nhất, vào đầu năm nay, tôi tham gia khảo sát lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh. Tôi thấy những người tham gia đi lễ, hành hương tại đây ổn định và trật tự, không có tình trạng hỗn loạn, tranh cướp nhau lộc, lễ. Hay ở một số hội thuộc diện ‘hội làng’ như hội Đền Bà ở Xuân Lai, Sóc Sơn, hội đền Quán Thánh ở Thường Tín, Hà Nội vẫn mang tính cộng đồng cao, người dân địa phương tham gia đều hồ hởi, vui vẻ, thoải mái, không có những mặt trái trong hành vi tín ngưỡng.

Trong khi, ở nhiều lễ hội khác như lễ khai ấn đền Trần, lễ cướp phết Hiền Quan, hội chùa Hương…, bối cảnh diễn ra hoàn toàn khác. Những người tới lễ chen lấn, xô đẩy, thậm chí cướp lộc, cướp đồ lễ rồi đập phá. Tình trạng đó khiến cho quang cảnh thờ tự, tín ngưỡng trở nên lộn xộn, mất trật tự. Lúc đó, hành vi tín ngưỡng của họ đã không còn giữ được đúng bản chất nữa. Đấy là do sự lệch lạc và thiếu đúng đắn trong niềm tin của người đi lễ về mặt nhận thức, về mặt tâm linh. Tình trạng như thế đã xảy ra trong nhiều năm, chúng ta vẫn gặp vấn đề trong việc nâng cao nhận thức đúng đắn cho cộng đồng đi lễ, trong cách tổ chức, quản lý hoạt động lễ hội. Dù đã có những cải thiện trong vấn đề bảo đảm trật tự an toàn lễ hội nhưng vẫn xảy ra nhiều câu chuyện đáng tiếc.Ngay cả việc tuyên truyền, quảng bá lễ hội cũng không thực sự đúng với ý nghĩa. Những người làm công tác tuyên truyền, quảng bá có khi còn thêu dệt thêm nhiều điều khiến cho mọi người sục sôi về niềm tin và dẫn đến hành vi không đúng đắn. Ví dụ rõ nhất như ở lễ khai ấn đền Trần, rất nhiều người tới đây hiểu sai về ý nghĩa của lễ hội và của lá ấn. Lễ khai ấn ở đây thực chất chỉ là một lễ hội của cộng đồng làng xã do người dân bản địa tổ chức, thực hiện và lá ấn là của nhà đền chứ không phải của các vua Trần xưa; ấn này chưa từng có giá trị hay biểu tượng cho việc phong chức tước, địa vị xã hội hay ban lộc. Ngày khai mở ấn đầu năm càng không phải là biểu tượng cho việc các cơ quan công quyền mở ấn để bắt đầu công việc của năm mới mà lấy may. 

19.jpg
Người dân chen nhau cướp đồ lễ ở đền Trần , Nam Định (ảnh: Quang Trung)

 Hơn nữa, lễ hội như thế cũng trở thành một nơi được những người làm công tác lãnh đạo trong bộ máy chính quyền hay những người có địa vị, chức tước lựa chọn tới hàng năm. Với sự tham dự của những người lãnh đạo, kể cả cấp cao như thế không phải với tư cách cá nhân, vô hình chung lại càng tạo ra tâm lý tin là thực cho nhiều người dân trong xã hội, khiến cho hoạt động tín ngưỡng trở thành một trào lưu xã hội. Kéo theo số lượng người tham gia còn là sự “biến tướng” ở lễ hội về mặt thương mại, và lượng người đổ về bị quá tải trong không gian vốn chỉ cho phép chứa đựng một số lượng nhất định.

PV: Vậy sự hỗn loạn trong hành vi tín ngưỡng đó có thể coi là biểu hiện của sự mê tín đang lan tràn trong xã hội hay không?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Nhiều người thường đánh đồng quan niệm, cho rằng đó là những hành vi mê tín dị đoan. Nhưng tôi không đồng tình với quan điểm sử dụng khái niệm mê tín ở đây. Trên thực tế, trong hoạt động quản lý văn hóa ở các nước trong thời buổi hiện đại này, từ lâu người ta đã loại bỏ khái niệm mê tín, nhưng khái niệm ấy vẫn cứ được sử dụng trong hoạt động quản lý và tuyên truyền về văn hoá ở nước ta. Nên nhớ, chúng ta đã tham gia Công ước của UNESCO về đa dạng văn hóa, tự do tín ngưỡng, tôn trọng niềm tin của mọi người. Vì thế, chúng ta không thể đứng ở một phương diện để phê phán một số người có hành vi tín ngưỡng không phù hợp trong lễ hội là mê tín dị đoan, trong khi các hành vi hay quan niệm khác lại được công nhận là chính thống, đúng đắn.

Chính vì quan niệm sai lầm về mê tín đó, cách đây hàng chục năm, mới xảy ra chuyện phá đình, đền như vụ phá đền Chín Giếng (Thanh Hóa), đền Cụ Lở, chùa Giữa, đình Đổng Viên (Hà Nội)… Rồi sau đó, khi nhận thức lại, chúng ta lại loay hoay tìm cách phục hồi lại những công trình đó. Vì thế, không nên vội vã khẳng định những hành vi đó là mê tín, dị đoan bởi mỗi người đều có niềm tin, tín ngưỡng của mình. Vấn đề là làm sao để mọi người có thông tin một cách đủ đầy về ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tâm linh để mỗi người có nhận thức đúng. Nếu không, nhiều khi niềm tin không dựa trên căn bản đạo lý sẽ trở nên mù quáng, cuồng tín và gây hệ lụy nguy hiểm hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, tâm lý đám đông và sự ích kỷ của cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn hành vi tín ngưỡng (Ảnh minh họa: Quang Trung)

Trên thực tế, không có niềm tin, tín ngưỡng nào đồng thuận với những hành vi rối loạn như vậy, nhưng trong một số bối cảnh tín ngưỡng, con người ta trở nên bộc phát và không kiềm chế được hành vi của chính mình. Đó là hội chứng đi theo đám đông và hội chứng giành giật, bộc lộ rõ nhất tính ích kỷ của con người trong xã hội. Đấy mới là căn nguyên vấn đề mà chúng ta cần phê phán.
Cần đẩy lùi tư duy vật chất trong quan niệm tín ngưỡng

PV: Thói ích kỷ, tranh giành của mỗi cá nhân kèm theo tâm lý “a dua” trong đám đông đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới cả hành vi tín ngưỡng. Vậy còn việc rải tiền, xoa tiền cũng như quan niệm đi lễ cầu tiền tài, danh vọng, chức vụ, đó có phải biểu hiện của tư duy vật chất tác động tới hành vi tín ngưỡng không?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Vấn đề là ở trình độ dân trí tác động đến tư duy nhận thức của mỗi cá nhân như thế nào. Trong bối cảnh xã hội như hiện nay, con người có rất nhiều mong ước, có cả mong ước về tiền tài, địa vị, mong ước để leo lên những thang bậc xã hội khác nhau. Tại sao ở một số quốc gia tôn giáo như ở Lào, Thái Lan, Campuchia, họ đi lễ rất uy nghiêm, trong không khí vô cùng thanh tịnh, và mục đích đi lễ của họ cũng rất khác so với nhiều người trong xã hội của chúng ta?

Trong khi ở Việt Nam, nhiều người đi lễ chỉ muốn mưu cầu danh lợi, địa vị cá nhân, tiền tài nhưng không quan tâm thực chất đến vấn đề giáo lý, đến tính thiện, tính nhân bản trong văn hóa tâm linh. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh tín ngưỡng với tâm lý đám đông, con người lại càng bộc lộ rõ nhất mục đích cá nhân. Người ta đi lễ chùa, tham gia hoạt động tín ngưỡng nhưng chỉ biết cầu xin quá nhiều, chỉ biết lễ lạt mà quên đi tính cộng đồng, xã hội, quên đi cả giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tôn giáo, tín ngưỡng và mối quan hệ gắn bó giữa các giá trị này với nhau. Có rất nhiều người tôi từng hỏi ở các nơi thờ tự, đi lễ, họ thừa nhận là họ hoàn toàn không hiểu gì về giáo lý, về nơi họ đang lễ, họ chỉ biết là họ đang đi để cầu mong Phật, cầu mong thần thánh phù hộ cho mình và gia đình mình. 
Tư duy vật chất trong hoạt động tín ngưỡng cũng là vì nhận thức, trình độ dân trí còn yếu kém (ảnh: Quang Trung)
Đó là trách nhiệm của những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên cũng cần công bằng mà nói rằng các đệ tử nhà Phật đi chùa ở các tỉnh phía nam không thấy có những biểu hiện rải tiền lẻ trong đền chùa. Các chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm vẫn giữ được sự uy nghiêm, thanh tịnh. không có chuyện tiền giắt tay Phật. Điều này chứng tỏ không phải vấn đề bản chất con người Việt Nam như có ý kiến băn khoăn, mà vấn đề ở sự tổ chức và giáo dục.

Các nhà văn hóa, cơ quan ngôn luận, truyền thông cũng như các nhà quản lý cũng có trách nhiệm, cần phải cung cấp nhiều thông tin hơn, thông tin đúng và chính xác hơn cho xã hội, cho người đi lễ; tuyên truyền, giáo dục cả về mặt văn hóa, lịch sử đối với người đi lễ. Ngay cả trong quá trình thông tin, tuyên truyền, chúng ta cũng chỉ phê phán mạnh mẽ nhất trong các dịp lễ hội. Trong khi, đây là vấn đề cần được đề cập thường xuyên, không chỉ giới hạn ở các dịp lễ hội mà còn là vấn đề chung trong các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh thường ngày của người dân. Hành trang tri thức của những người khi đi lễ, hành hương chưa đủ, họ vẫn thiếu tâm thức đối với việc tham gia hoạt động tín ngưỡng.

Nhiều người đi lễ chùa thường giắt tiền vào tay tượng Phật, tượng thần thánh. (Ảnh: Việt Hòa)

Ngay cả với việc quảng bá lễ hội và các hoạt động, chúng ta cũng cần cẩn trọng, tránh cho nhiều người hiểu sai về ý nghĩa, giá trị của các lễ hội, hoạt động đó. Nếu không, sẽ lại gây ra sự hoang tưởng, ảo tưởng trong tư duy tín ngưỡng. Tôi cho rằng trong phương thức tuyên truyền, quảng bá, chúng ta chưa bộc lộ rõ tư duy văn hóa mà mới chỉ là đơn giản về kinh tế, thương mại. Cũng vì thế, chúng ta quên đi mặt chất lượng trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, mà chỉ biết chạy đua về hình thức, chỉ biết khuyếch trương về số lượng, đạt những kỷ lục về chiều cao, sức nặng hay to nhất, rộng nhất. Chưa kể, sự sai lệch trong tư duy chạy theo kỷ lục như thế sẽ ảnh hưởng tới cả nhận thức của thế hệ trẻ và các thế hệ sau này.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Huy
./.