Là một trong những thế hệ sinh viên đầu tiên của trường Sân khấu - Điện ảnh, sau khi tốt nghiệp, nghệ sĩ hài Văn Hiệp được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Sau đó, ông chuyển công tác sang Cục Văn hoá Thông tin cơ sở. Trong sự nghiệp diễn viên hơn 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện với nhiều vai để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Riêng thể loại hài kịch, Văn Hiệp đặc biệt thành công với series kịch bản về "Trưởng thôn Văn Hiệp" cùng hai danh hài Quang Tèo và Giang Còi. Vai diễn này của Văn Hiệp đã làm nên một hình tượng nhân vật "trưởng thôn" đặc sắc không hề trộn lẫn.

Kịch bản cuối cùng

Dù nổi tiếng với rất nhiều vai diễn trong suốt 40 năm, nhưng rất ít người biết rằng, nghệ sỹ Văn Hiệp lại rất đam mê với việc viết kịch bản. Những năm cuối đời, nghệ sỹ Văn Hiệp đã viết rất nhiều, viết bằng tâm huyết và sự trải nghiệm cuộc đời. Nhưng không hiểu vì sao, nhưng có lẽ vì cái “duyên” chưa đến nên hầu hết kịch bản của nghệ sĩ Văn Hiệp đều không được ra mắt.

Cho đến giờ, rất nhiều kịch bản của Văn Hiệp vẫn chỉ là những dòng chữ viết ngay ngắn trên trang giấy, chỉ trừ một tác phẩm duy nhất: “Văn Lang cả làng nói phét”. Đây là kịch bản đầu tiên và cũng là cuối cùng của nghệ sĩ Văn Hiệp trước khi qua đời.

hiep2.jpg
Vai diễn của nghệ sĩ Văn Hiệp trong "Văn Lang cả làng nói phét"

Nhắc đến tác phẩm này, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết: “Nghệ sĩ Văn Hiệp đã hợp tác làm việc với tôi từ rất lâu. Dù nghiêm túc với nghiệp diễn nhưng Văn Hiệp vẫn rất hứng thú với việc viết kịch bản. Có những kịch bản còn nằm trong kho lưu trữ của chúng tôi, và có lẽ chẳng thể dựng thành tiểu phẩm. Nhưng nghệ sỹ Văn Hiệp cũng rất mãn nguyện với “Văn Lang cả làng nói phét”. Anh hào hứng với cả vai trò đạo diễn và diễn vai chính trong tác phẩm”.

Đĩa hài “Văn Lang cả làng nói phét” là tổng hợp những câu chuyện hài nhẹ nhàng, tếu táo nhưng cũng rất thân thiện như chính con người Văn Hiệp. Sự đón nhận của khán giả là động lực cho người nghệ sĩ ấy viết tiếp những câu chuyện về con người, về nhân tình thế thái, về những khía cạnh nhỏ nhặt đầy bình dị của làng quê. Kể cả lúc còn nằm trong bệnh viện, nghệ sĩ Văn Hiệp cũng vẫn… có thể viết.

"Văn Lang cả làng nói phét"

Lúc ấy là khoảng đầu năm 2012. Trong lúc lái xe, nghệ sĩ Văn Hiệp tụt huyết áp và gặp tai nạn trên đường, một thanh niên tốt bụng đã đưa nghệ sỹ vào viện. Nhớ đến người thanh niên ấy, Văn Hiệp viết một mẩu chuyện nhỏ cho Táo Quân. Trong đó, Văn Hiệp tưởng tượng ra mình đã chết, xuống âm phủ rồi lại hồi sinh, mang theo rất nhiều suy nghĩ về cuộc đời “vàng thau lẫn lộn”, người tốt người xấu trộn lẫn vào nhau. Nghệ sĩ Văn Hiệp đặt tên cho tác phẩm ấy là “Tốt đen, tốt đỏ”.

Dù tác phẩm không được ra mắt nhưng cho đến khi qua đời, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn rất tâm huyết với nghề, vẫn bỏ rất nhiều công sức và trăn trở vào trong những kịch bản – như những kịch bản cuộc đời của một người nghệ sĩ lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà.

"Nghệ sỹ giun"

Trong mắt của rất nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ hài Văn Hiệp là một người anh, người “bố” và là một bạn diễn tâm huyết. Có những khi nhận vai rồi, cả đêm Văn Hiệp không ngủ được, ông trằn trọc rồi gọi điện cho đạo diễn để trao đổi tới lui. Với bạn diễn, ông rất nhiệt tình chỉ dẫn, phối hợp với thái độ thân thiện và giàu tình cảm.

Trên phim trường, đã không ai còn xa lạ với hình ảnh nghệ sĩ Văn Hiệp mặc áo may ô, ngồi hút thuốc lào rồi cười xòa. Cũng chẳng còn ai ngạc nhiên với những bữa ăn kham khổ, vội vàng cho kịp buổi diễn của ông. Có lẽ chính vì vậy mà nghệ sĩ Văn Hiệp từng phải điều trị suy nhược cơ thể, phải chiến đấu với rất nhiều bệnh tật kéo dài dai dẳng.

Nghệ sĩ Văn Hiệp

Lao động hết mình là thế nhưng cho đến khi qua đời, nghệ sĩ Văn Hiệp cũng chẳng có được một danh hiệu nào. Không “nhân dân”, cũng chẳng “ưu tú”, Văn Hiệp chỉ là một người nghệ sĩ được đồng nghiệp kính trọng, được khán giả yêu thương. Có nhiều người nổi tiếng hơn ông, giàu có hơn ông nhưng chẳng ai có thể thay thế được sự thân thiện và nhiệt tình như chính nụ cười ấm áp hồn quê của ông.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng nhớ lại, sau khi bị tai nạn, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn nhận lời diễn tác phẩm cuối cùng là “Ông Bành tổ”. Kết thúc diễn xuất, ông cùng nghệ sĩ Văn Hiệp đi uống bia ở một quán trên đường Láng Hạ. Mọi người ở quán đều nhận ra nghệ sĩ Văn Hiệp và tiến tới bắt tay, nhiệt tình đến nỗi cánh tay vẫn đang bó bột như muốn gãy một lần nữa. Sự yêu quý của khán giả lúc nào cũng là thước đo sự thành công của một nghệ sĩ. Dù chẳng có được danh hiệu nào cả nhưng Văn Hiệp vẫn thanh thản với cuộc đời mình như thế.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng (bên trái) cùng nghệ sĩ Văn Hiệp và Quốc Anh

Ông đã từng nói rằng: "Những cái áo dù người thợ may có khéo đến đâu cũng không thể vừa khít mình. Tôi không khoác cái áo NSND hay NSƯT. Tôi chỉ là nghệ sĩ Văn Hiệp, suốt đời chăm chỉ cần cù, miệt mài và phấn đấu trung thực như một con giun". Bài thơ "Nghệ sĩ giun" được ông viết và coi như tự họa về cuộc đời mình.

"Nơi nào có đất cằnNơi ấy có họ nhà giunHiền lành chẳng làm đau aiMềm oặt như sợi búnNăm năm, ngày ngày, tháng thángMiệt mài thâu đêm suốt sángGiun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút mộtVà đất và giun tơi xốpĐơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo vonĐất và giun và rất nhiều giunĐã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳmCho cây đời vượt cạn nhú chồi nonMình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun"
./.