Đầu tháng 11 tới, vở chèo dành cho thiếu nhi “Ăn khế trả vàng” sẽ chính thức ra mắt tại Rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hà Nội). Dựa trên câu chuyện cổ tích vốn đã quá quen thuộc với người Việt Nam, bằng ngôn ngữ sân khấu, với sự diễn xuất của các nghệ sĩ Quốc Phòng, Thu Hòa, Nhật Tuấn, đặc biệt là sự góp mặt của NSƯT Minh Vượng, vở chèo “Ăn khế trả vàng” hứa hẹn mang tới cho các khán giả nhí những nụ cười sảng khoái và thú vị.

Phóng viên VOV phỏng vấn NSƯT Tuấn Hải, đạo diễn vở “Ăn khế trả vàng”

an-khe-1.jpg

PV: Truyện cổ tích “Ăn khế trả vàng” đã quá quen thuộc với người Việt Nam, đặc biệt là các em thiếu nhi. Vậy truyện cổ tích này sẽ được đạo diễn thực hiện trên sân khấu chèo như thế nào?

NSƯT Tuấn Hải:Vở “Ăn khế trả vàng” nằm trong khuôn khổ dựng vở thường xuyên của Nhà hát Chèo Hà Nội. Đối tượng phục vụ là thiếu nhi. Chương trình được đầu tư rất công phu và nghiêm túc về phần nghệ thuật. Toàn bộ diễn viên đoàn diễn xuất 1 của Nhà hát Chèo, đặc biệt là có NSƯT Minh Vượng là khách mời của vở diễn đã luyện tập hơn 1 tháng nay. “Ăn khế trả vàng” là câu chuyện cổ tích của Việt Nam, nếu nói về tính văn học thì nó không phải là kịch bản đời thường mà thuộc văn vần gần như thể thơ, cũng rất gần với hát chèo.

Khi dựng vở cho các cháu, chúng tôi không đưa nhiều hát chèo vào vì các cháu chưa tiếp thu được những làn điệu hát. Chúng tôi chọn 3 làn điệu chèo có tiết tấu nhanh, giai điệu rộn ràng và rất đặc sắc, đó là các làn điệu: Cách cú, Gà rừng, Tứ quý. Bên cạnh đó, chúng tôi chọn 3 bài hát ca múa nhạc rất hay của thiếu nhi là: Năm ngón tay ngoan, Quả gì, Chú ếch xanh để chế lời, lắp ráp vào đây để cho phù hợp với không khí và nội dung của vở diễn. Ba bài hát này giai điệu vốn đã đẹp rồi, chỉ cần chuyển lời một chút thôi. Hơn nữa, chúng tôi có NSƯT Hạnh Nhân là nhạc sĩ viết nhạc cho vở này, cho nên phần âm nhạc rất hay, rộn ràng, phù hợp với các em, mà vẫn mang âm hưởng của chèo.

PV:Anh có thể cho biết, vở chèo “Ăn khế trả vàng” sẽ chính thức ra mắt công chúng khi nào?

NSƯT Tuấn Hải:Chúng tôi vừa tổng duyệt vở cuối tuần qua và nhận được sự phản hồi tích cực. Đầu tháng 11 tới, vở diễn chính thức ra mắt phục vụ các em ở Rạp Đại Nam. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo có một kế hoạch kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để các trường đưa các cháu đến xem. Hiện nay, Nhà hát đã nhận được hợp đồng của khoảng 30 - 40 trường học. Chương trình này có mục đích là các em đến xem vừa tiếp cận được văn hóa dân gian là hát chèo, vừa giải trí được bằng những câu chuyện cổ tích dân gian của Việt Nam.

PV:Như anh nói, đối tượng phục vụ của vở chèo “Ăn khế trả vàng” là thiếu nhi, nhưng vở diễn lại ra mắt vào đầu tháng 11 (thay vì Tết Thiếu nhi hay Rằm Trung thu). Anh nghĩ thời điểm ra mắt vở này có phù hợp để thu hút các em?

NSƯT Tuấn Hải:Năm nay, vào dịp Tết Thiếu nhi và Rằm Trung thu, Nhà hát Chèo Hà Nội đã cho ra mắt vở “Quả táo thần” và đã rất thành công với lịch diễn 7 suất/ngày. Như Nhà Hát kịch năm 2010 diễn 6 suất/ngày đã thấy “khủng khiếp” lắm rồi. Ở đây Nhà hát Chèo diễn tới 7 suất/ngày, tôi nghĩ là kỷ lục của Việt Nam rồi.

Với những thành công trong dịp Tết Thiếu nhi và Rằm Trung thu như thế, không có lý gì lần này lại không thắng lợi. Như tôi đã nói, đến thời điểm này, Nhà hát Chèo đã ký được 30 - 40 suất diễn với các trường học. Cho nên, giờ không phải nghĩ về đầu ra, đầu vào nữa, chỉ việc làm thế nào cho tốt nhất để chinh phục các em.

PV:Vậy làm sao để truyền tải thông điệp của vở diễn này đến với các em?

NSƯT Tuấn Hải:Đây là câu chuyện cổ tích các em đã quá quen thuộc. Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là kể lại câu chuyện này, mà là xử lý các tình huống như thế nào để trẻ em nắm được thông qua những hình ảnh sân khấu. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng không hề dễ dàng.

Thông điệp của truyện cổ tích là ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, gậy ông đập lưng ông… Đó là một bài học rất đơn giản những cực kỳ nhân văn cho trẻ em. Trong vở diễn này, chúng tôi cũng đưa ra những thông điệp ấy, nhưng cái ác không được ác. Diễn cho trẻ em không được thể hiện những cái gian ác, vô nhân, bất nghĩa có thể làm trẻ rất ghê sợ. Cách chúng tôi làm là để các cháu tiếp cận và từ đó các cháu hiểu. Không đưa những tình huống thật vào mà chỉ đưa những tình huống giả định như anh cướp của em… đưa các cháu vào câu chuyện, mở rồi kết luôn, giải tỏa luôn nên các cháu không hề bị căng thẳng về chuyện tranh cướp, mà các cháu chỉ cảm nhận được tính nhân văn và hiểu được là ở hiền gặp lành, gậy ông đập lưng ông.

PV:Một vở chèo mà phục vụ đối tượng là thiếu nhi, hẳn là khâu trang trí sân khấu, đạo cụ cũng rất được chú trọng phải không anh?

NSƯT Tuấn Hải:Đúng vậy. Trang trí sân khấu và đạo cụ phải rất đặc biệt, bởi chúng tôi phải mô tả. Nếu ao cá diễn cho người lớn thì chỉ là ao cá bình thường, còn diễn cho các em phải có cây cỏ, hoa lá, chúng tôi phải nhấn vào những cây nấm, cây hoa làm sao phải lung linh để các bé thấy phù hợp với tuổi, với không khí, với sở thích và tư duy hồn nhiên của các cháu.

Trong “Ăn khế trả vàng” có cảnh đại bàng bay, có khói rất huyền bí, có sóng biển, những cô tiên trong cổ tích… Chúng tôi đang cố gắng để làm sao tất cả đều phải sinh động, vô cùng đáng yêu và thân thiện để các cháu cảm nhận được.

Ở đây có những cảnh chuyển từ nhà, cây khế sang biển, rồi từ biển sang đảo vàng, chúng tôi phải chuyển hết sức khéo léo. Nếu bày biện cảnh trí ra nhiều quá thì sẽ vô cùng phức tạp và mất thời giờ. Chúng tôi phải chuyển cảnh bằng chính các diễn viên và các bài hát một cách khéo léo. Sóng biển cũng do người diễn, đó là thể hiện quan điểm của xã hội, của nhân dân với kẻ ác.

PV: Theo anh, việc đưa truyện cổ tích Việt Nam lên sân khấu chèo như thế này có ý nghĩa như thế nào đối với đối tượng thiếu nhi?

NSƯT Tuấn Hải:Vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi vì sân chơi cho các cháu hiện nay rất ít. Hiện nay, ngoài Nhà hát Tuổi trẻ, rất ít người nghĩ tới việc chăm sóc cho các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Mình lấy những câu chuyện hay nhất của Việt Nam, thậm chí cả truyện thế giới để các cháu tiếp nhận được tính nhân văn, hiểu cách đối nhân xử thế với bố mẹ, với gia đình, với xã hội, đối xử với người tốt như thế nào, ứng xử người xấu ra sao… Tính chất giáo dục thông qua các bài học, các thông điệp từ vở diễn là mục tiêu chúng tôi hướng tới.

Xin cảm ơn anh!./.