Từ sáng sớm, đông đảo bà con thuộc 18 thôn và dòng họ Vàng của xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã tề tựu đông đủ, tất cả tập trung trên khu đất rộng rãi giữa trung tâm xã, ai ai cũng diện những bộ trang phục rực rỡ với tâm lý háo hức đi dự hội. Tuy là lễ hội truyền thống của dân tộc Giáy, nhưng bà con các dân tộc khác cùng du khách cũng kéo về tham gia hết sức sôi nổi.

Là một người con của dân tộc Giáy tới dự hội, chị Lý Thị Phương Lai phấn khởi chia sẻ: "Là một người dân địa phương, tôi cảm thấy rất ấn tượng khi được tham quan các mâm cỗ của các thôn đội với đầy đủ các sản vật địa phương, điều đó thể hiện cho một năm làm ăn sung túc. Cầu cho một năm mới dồi dào sức khỏe, nhiều may mắn, cầu tài cầu lộc cho mùa màng tươi tốt, công việc được thuận lợi".

le_hoi_3__qfmt.jpg
Biểu diễn múa quạt trong ngày khai hội.
Theo phong tục, mỗi thôn bản, dòng họ đều chuẩn bị một gian thờ cúng trời đất, thần linh với đủ các sản vật địa phương, do bà con địa phương tự tay làm lấy như trứng gà luộc nhuộm đỏ, bánh bỏng, bánh khảo, măng vầu, xôi màu, gà, lợn, rượu… Ngoài gian thờ chính, các mâm lễ dâng riêng lên thần linh cũng được sắp sửa chu đáo với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng bình yên, người người khỏe mạnh, con cháu sinh sôi nảy nở. Sau nghi lễ linh thiêng, tất cả sẽ được đem ra mời nhân dân toàn xã và khách quý cùng thưởng thức.

Một trong những gian lễ vật cúng thần linh tại lễ hội
Một phần không thể thiếu trong Hội xuống đồng Quang Kim là tổ chức thi cày, gieo hạt. Đây là một cuộc thi đầy cạnh tranh giữa các tay cày thiện nghệ nhất được tuyển chọn từ các thôn để so tài trong ngày hội đầu xuân. Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi như biểu diễn thổi sáo, múa quạt, bịt mắt đập niêu, chọi gà, ném còn, thi giã bánh giày, bước cầu tre… 

Thi kéo cày bằng trâu và...
... thi bắn nỏ.
Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết: "Lễ hội xuống đồng đầu xuân được tổ chức theo đúng nghi lễ của dân tộc Giáy, đó là phải có trâu cày, gieo hạt và ném còn. Đó là những phong tục để cầu mong cho mùa màng bội thu, thuận lợi trong sản xuất và phát triển nông nghiệp ở địa phương".

Dâng mâm lễ vật cúng thần linh
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng thần
Hội xuống đồng hay Roóng Poọc của người Giáy Quang Kim diễn ra đúng vào ngày Thìn đầu tiên của năm Âm lịch. Đây là một lễ hội cầu mùa độc đáo được giữ gìn, bảo tồn qua nhiều nhiều thế hệ, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, thể hiện niềm tự hào về bản sắc dân tộc, phản ánh sinh động đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Giáy nơi đây. Sau lễ hội Roóng Poọc, Tết của người Giáy sẽ chính thức khép lại, bà con sẽ bắt tay vào lao động, sản xuất cho vụ mùa mới khẩn trương đầy bận rộn./.