“Muốn tiếp nhận công đức, các di tích đã được xếp hạng phải xin phép cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn xem có phù hợp hay không, theo đúng Luật Di sản”.

Đây là ý kiến của ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL trong cuộc họp Tiếp tục triển khai công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/8/2014 do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 5/11/ 2014. Theo nội dung cuộc họp, chủ trương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp ra khỏi di tích của Bộ VHTTDL theo công văn số 2662 là đúng đắn song trong hơn hai tháng triển khai, các địa phương vẫn đang lúng túng. Trong thời gian tới, việc có văn bản hướng dẫn bài trí tại di tích là cần thiết.

Các địa phương còn lúng túng

Đây là nhận định của bà Đoàn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL). Theo bà Hương, văn bản 2662 đã được triển khai thực hiện ở 63/63 tỉnh, thành trong cả nước và nhiều tỉnh, thành đã thực hiện rất quyết liệt, hiệu quả như Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn…

anh5_qglz.jpgĐôi sư tử đá do phật tử cung tiến được đặt tại chùa Trung Kính Thượng, Hà Nội. (Ảnh: Mỹ Trà)

Điểm sáng đầu tiên là Hà Nội, Sở VHTTDL đã ban hành Kế hoạch về Tổ chức thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND thành phố Hà Nội về việc không sử dụng, di dời các hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Công văn này đã được gửi tới 30 quận, huyện, thị xã để tổ chức thực hiện. Hà Nội đã đưa ra thời gian bắt buộc là trước ngày 30/11, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai, vận động di dời dứt điểm các hiện vật không đúng quy định, không phù hợp với thuần phong mỹ tục tại các di tích và các cơ quan, công sở.

Ngoài ra, tiếp tục kiểm tra, rà soát việc di dời các hiện vật không phù hợp tại các địa điểm khác trên địa bàn, đồng thời xử lý các vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó Sở VHTTDL thành phố HN cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, cơ sở thờ tự tuyệt đối không tự ý tiếp nhận, sử dụng các hiện vật mới không đúng quy định. Nếu các di tích có nhu cầu tiếp nhận, sử dụng hiện vật mỹ thuật để phục phục vụ việc thờ cúng tín ngưỡng hoặc trang trí thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp nhận. Tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở thờ tự nào không chấp hành việc di dời hiện vật không phù hợp sẽ bị xử lý nghiêm.

Sư tử đá ngoại lai ế ẩm ở Hà Nội (Ảnh: Lê Vũ)

Ghi nhận sau 2 tháng thực hiện công văn 2662: tượng sư tử kiểu Trung Quốc, châu Âu và tượng linh vật là đã không còn lưu thông trên thị trường. Việc tiếp tục sản xuất, mua bán và sử dụng các mặt hàng này không còn. Nhiều nơi thờ tự, công sở đã di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi địa bàn.

Tuy nhiên, bà Hương cho biết: “Trong quá trình kiểm tra, hầu hết các địa phương đều lúng túng. Như tại Quần thể danh thắng Tràng An, đã chuyển toàn bộ 3 đôi sư tử đá ở ba cổng (Đông, Nam, Bắc) và những hiện vật không phù hợp ra khỏi di tích, song chuyển đi đâu không rõ. Hay tại Đền Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình) có ba đôi sư tử đá ngoại lai, thủ từ đền vận động người cúng tiến tới mang đi, mang đi đâu cũng không rõ”.

“Với một số trường hợp thì dễ dàng thuyết phục, song nhiều trường hợp người cung tiến không đến lấy lại, vấn đề kinh phí để di dời các linh vật ngoại lai cũng là một thách thức không nhỏ tại địa phương”- bà Hương nhận định.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chia sẻ: “Khi đến Đà Nẵng kiểm tra, chúng tôi rất lo ngại vì văn bản của Bộ ra là đúng đắn song ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của một bộ phận người dân tại làng đá mỹ nghệ Non Nước. Tuy nhiên, Đà Nẵng lại là địa phương tích cực vận động người dân thực hiện văn bản 2662. Đặc biệt, Sở VHTTDL  Đà Nẵng còn gửi công văn đề nghị Bộ ra văn bản hướng dẫn trưng bày tượng linh vật để các địa phương làm theo, tránh tùy tiện như hiện nay”.

Không thay linh vật ngoại bằng nội?

Ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL lại lo ngại, việc không có văn bản hướng dẫn, khiến nhiều địa phương hiểu nhầm việc không bài trí các hiện vật, linh vật ngoại lai nghĩa là được bài trí các hiện vật thuần Việt như thay thế sư tử đá Trung Quốc bằng các con nghê đá, chó đá của Việt Nam.

Ông Phúc cho rằng: “Cần văn bản khuyến cáo của Bộ VHTTDL về vấn đề này. Việc quản lý di tích là theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Đã là di tích được xếp hạng thì không được đưa hiện vật mới vào, việc đưa hiện vật vào phải xin phép cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn xem có phù hợp hay không. Không để xảy ra tình trang hiểu lầm là được đặt linh vật của Việt Nam thay thế linh vật ngoại lai”.

Cổng chùa Mộ Lao, Hà Nội đã không còn bóng dáng sư tử đá kiểu Trung Quốc cỡ lớn

Thượng tọa Thích Thanh Huân- Phó Chánh văn phòng Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đồng quan điểm trên. Theo Thượng tọa, ngoài việc nâng cao ý thức cho người cung tiến, người quản lý cơ sở di tích thì cũng cần có cơ quan chuyên môn hướng dẫn tại các làng nghề sản xuất”. Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết: “Hiện  nay, không chỉ vấn đề linh vật, hiện vật mà cả tượng phật cũng đang bị ngoại lai. Tại nhiều điểm di tích, tượng không có thần thái của Việt Nam”.

 “Việc chậm ra văn bản hướng dẫn bài trí tại di dích là thiếu sót của Cục Di sản văn hóa”- Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên thẳng thắn. Thứ trưởng cũng yêu cầu, Cục Di sản văn hóa, trong thời gian tới, phải sớm hoàn thiện văn bản này và gửi các địa phương thực hiện, tránh sự bị động, lúng túng trong triển khai công văn 2662.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhận định: “Công văn 2662 nhận được sự đồng tình của nhiều cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan báo chí và dư luận. Điều đó cho thấy, chúng ta đã làm đúng, làm trúng. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương về những mặt được và chưa được trong quá trình thực hiện công văn 2662. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng thông tư, nghị định để quy định về việc bài trí linh vật ngoại lai ở công sở và dự thảo quy định, từ năm 2015, tất cả đình, đền chùa xây mới phải dùng chữ quốc ngữ, còn đình, đền chùa cổ phải có bảng dịch chữ Hán”.

Được biết, có thể đến tháng 7/2015, việc xử phạt sẽ được áp dụng với các điểm di tích không thực hiện theo công văn 2662./.