Cây long não được chặt hạ là một trong 2 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam kể từ tháng 5 năm 2014 tại Biệt điện Bảo Đại.

Theo nghiên cứu cây long não này được trồng từ những năm 1920 dưới thời vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến nước ta.

ede1_vov_sgds.jpg
Thầy cúng đọc lời khấn và đổ huyết heo vào gốc cây được làm lễ trước khi chặt hạ

Cây có chu vi khoảng 8m, đường kính khoảng 2,5m, chiều cao gần 30m. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, một số cành cây bắt đầu có hiện tượng khô héo. Mặc dù đã được tiến hành nhiều biện pháp cứu chữa nhưng đến nay cây đã hoàn toàn không còn khả năng sinh trưởng và phát triển.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, việc tổ chức Lễ cúng chặt hạ cây nhằm phục dựng lại nghi lễ của người Ê Đê. Đây là một trong các hoạt động bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa của Bảo tàng.

Nghi lễ có sự chứng kiến của người dân và lãnh đạo Bảo tàng Đắk Lắk

“Chúng tôi phục dựng lễ cúng với mong muốn giữ gìn văn hóa của dân tộc Ê Đê. Trước đây mỗi lần chặt hạ cây trong rừng thì người ta phải cắt hạ trước 1 ngày sau đó thì ngày hôm sau người ta tiến hành cắt hạ cây. Cây long não này sau khi được hạ cắt thì chúng tôi sẽ làm thuyền độc mộc, ghế kpan, ghế của bà chủ nhà, và những cái này chúng tôi sẽ trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu nói.

Sau khi được chặt hạ, cây long não này sẽ được dùng để tạo ra các vật dụng quý của người Ê đê để lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng./.