Đây là một trong những hoạt động mở đầu cho chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.
Đến với chuyên đề về “Lịch sử Đồn điền Cà phê Cada”, đồn điền cà phê đầu tiên tại Đắk Lắk người xem sẽ gặp lại một phần Cada xưa. Những hình ảnh, hiện vật được trưng bày chủ yếu là công cụ sản xuất, sinh hoạt của công nhân đồn điền từ thời Pháp thuộc và giai đoạn sau năm 1975 như: “Vỏ biđông do Mercureau – chủ Đồn điền Cà phê Cada tặng cho ông Y Nao Ayun, thư ký của Đồn điền Cà phê Cada từ năm 1970-1975; lưỡi cuốc con gà do cai đội của Đồn điền Cà phê Cada phát cho bà Nguyễn Thị Nghé năm 1966; Ca nước, bi đông: chiến lợi phẩm do ông Thân Văn Dương là công nhân du kích, liên lạc viên tại Đồn điền Cà phê Cada thu được vào năm 1967...
Khách tham quan khu trưng bày lịch sử đồn điền Cada. |
Ông Trần Hùng, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Đồn điền cà phê Cada được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là nơi thực dân Pháp thành lập đồn điền cà phê đầu tiên tại Buôn Ma Thuột. Nhân dịp lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này, chúng tôi muốn trưng bày lại những hình ảnh về lịch sử Cada".
Bên cạnh đó, chuyên đề “Lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên” gồm 200 hình ảnh, hiện vật nhằm giới thiệu đến du khách truyền thống diễn tấu cồng chiêng từ xưa đến nay cũng như vai trò quan trọng của cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Trong đó, có nhiều bức ảnh giá trị liên quan đến không gian văn hóa cồng chiêng được chụp trong thời gian từ những năm 1930 đến 1960 tại cộng đồng các dân tộc thiểu số trong những đợt nghiên cứu thực địa kéo dài nhiều năm liền của các học giả Pháp.
Trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 13/3/2017./.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2017 sẽ có gì mới?
Ngày 10/3, khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6