Sau khi VOV.VN đăng tải những bài viết phản ảnh về thực trạng “tràn lan” sư tử đá, linh vật lạ ở nơi thờ tự và các công sở, đơn vị, cũng như quyết tâm xử lý, loại bỏ các hiện vật này, nhiều độc giả đã gửi thư về tòa soạn, bày tỏ ý kiến đồng tình với nội dung các bài viết.
Độc giả Phan Thị Ngọc Yến cho biết: “Tôi và đồng nghiệp của mình rất vui mừng và cảm ơn Ban biên tập của báo điện tử VOV đã đưa vấn đề này lên mạng một cách uy tín và công khai. Là trí thức, bấy lâu nay chúng tôi nhức nhối về sự ‘xâm lăng’ văn hóa hiện hữu khắp nơi trên đất Việt, nhất là những nơi thiêng liêng, tâm linh của người Việt Nam. Mọi người nên thấy rõ sự nguy hại của sự việc này để đừng tiếc rẻ những con vật ngoại lai, nhưng hậu họa của nó chẳng khác gì ‘con ngựa thành Troy’ về văn hóa”.
Độc giả Trần Đồng cùng chung quan điểm: “Đó là một tai họa hiểm độc về văn hóa! Tiếc thay, nhiều cơ quan, nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều đại gia do thiếu thông tin và thích khoe khoang nên đã rước những vật ngoại lai đó về chưng ngay cửa chính vào văn phòng cơ quan để ‘hù dọa’ người dân. Rồi cả đình, chùa, nơi thờ tự cũng có những hiện vật này. Thật may mắn, Bộ VHTT&DL đã nhận ra hậu họa và sớm chỉ đạo để chấn chỉnh. Chúng tôi hoàn toàn tán thành chủ trương này và mong hãy thực hiện triệt để”.
Một độc giả khác là Lê Quang Vĩnh, từng tốt nghiệp khoa Văn hóa học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định: “Sư tử đá với hình thù, phong cách được phản ánh chính là sư tử mà người Trung Quốc dùng để đặt canh mộ. Từ lâu đời, trong văn hóa Việt Nam, Long – Ly – Quy – Phụng mới chính là những linh vật trong tiến trình phát triển của của chúng ta. Với yếu tố văn hóa bản địa sâu sắc, chúng ta đã giữ được rất nhiều các vẻ đẹp văn hóa được coi là Quốc hồn, Quốc túy của dân tộc. Điều đó đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, với xu thế thị trường, trào lưu phát triển mà lại thiếu kiến thức văn hóa nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay. Các cơ quan chức năng và Bộ VHTT&DL cần có những biện pháp cụ thể nhàm xóa bỏ, ngăn chặn và ý thức đến các tầng lớp nhân dân về vấn đề này”.
Độc giả Thanh Vũ cho rằng: “Điều quan trọng là lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của những người xây dựng công trình và đưa các sản phẩm điêu khắc - kiến trúc ngoại lai vào các công trình của mình. Tiếp theo là trình độ văn hóa và thẩm mỹ. Cuối cùng, mới đến những rào cản về pháp luật. Trong các rào cản về pháp luật thì việc duyệt thiết kế - quy hoạch là rất quan trọng. Theo tôi, kiểm tra và chặn được từ khâu này sẽ hạn chế được nạn linh vật lạ tràn lan như hiện nay”.
Một độc giả khác tên là Dung cũng bày tỏ quan điểm: “Loạn do tâm linh thì ít, nặng về mê tín, phong thuỷ thì nhiều! Nhiều người thiếu kiến thức về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật Việt Nam nhưng thừa tiền, nên thấy vừa mắt, ưng ý là mua luôn, đặt làm luôn. Họ đâu biết rằng như thế nào là sai tỷ lệ, kém thẩm mỹ, lai căng văn hoá, tâm linh thờ cúng không đúng. Đa số vật phẩm là sản phẩm của các thợ thủ công tại các cơ sở chế tác đá, chứ hiếm hoi là do các điêu khắc gia thực sự sáng tác. Vì thế, mới có chuyện sao chép trộm mẫu của tác phẩm nước ngoài”.
Độc giả Đăng An thể hiện sự nuối tiếc: “Thật tiếc là vì một thời gian quá dài, chúng ta tập trung không duy trì và gìn giữ những nét văn hóa tâm linh vốn có của người Việt Nam. Cái giá phải trả đó là sự thiếu hiểu biết cội nguồn văn hóa tâm linh nên bị kẻ xấu lợi dụng trở thành mê tín, dị đoan. Các linh vật như chó đá của người Việt Nam đã bị nhiều người quên lãng, thậm chí hiểu sai giá trị đích thực và ý nghĩa của hình tượng chó đá đơn giản, hiền lành, gần gũi, vốn giữ một vị trí luôn khiêm nhường trong không gian kiến trúc của dân tộc”./.