Gần đây, dư luận có nhiều thông tin khác nhau về việc xây dựng, tổ chức quản lý, khai thác Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây như không hiệu quả; nhiều công trình xây dựng dở dang, xuống cấp…mục tiêu biến nơi đây thành một điểm đến của khách du lịch văn hóa chưa đạt được... Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Huy- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa về vấn đề này.           

a_zyfq.jpgPGS.TS Nguyễn Văn Huy, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa

PV:Thưa PGS Nguyễn Văn Huy, trong một lần chia sẻ với báo chí mới đây, ông cho rằng “cần phải có cách nhìn mới về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”. Phải chăng ông muốn nói rằng, việc quản lý, điều hành Công trình văn hóa này đang theo một tư duy cũ, hiệu quả không như mong muốn?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Chúng ta làm Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có mang tính chất bảo tồn không, hay mang tính chất du lịch. Cần xác định mục đích nào là chính, mục đích nào là phụ. Đó là điều rất là khó lý giải. Nếu như ở Bảo tàng Dân tộc học, những ngôi nhà của người dân tộc là ngôi nhà bảo tồn, thì ở Làng Văn hóa lại vừa bảo tồn, vừa phải là một không gian sống.

Tuy nhiên, khi đến những ngôi nhà này ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chúng ta thấy ở đó thiếu cái hồn sống, thiếu chất dân tộc, thiếu những câu chuyện. Những ngôi nhà đó, người ta thuê các công ty xây dựng của người Kinh, thợ xây là người Kinh. Tuy có mời một vài người dân tộc đến để kiểm tra, nhưng đều là hình thức.

Một điều nữa là Làng Văn hóa các dân tộc chúng ta vẫn phải bao cấp. Một năm tổ chức 2, 3 lần các chương trình quảng bá rất mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng sau những sự kiện ấy, có ai thăm không thì lại rất ít. Nếu chúng ta cứ bao cấp như thế thì chúng ta sẽ cho ra một sản phẩm như thế nào và mang lại lợi ích gì cho xã hội? Tôi thấy tất cả những hoạt động ở đó hiệu quả chưa cao.

 Tháp Chăm ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

PV: Vậy theo PGS thì cần phải ứng xử với Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam như thế nào cho phù hợp? 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Câu chuyện Làng Văn hóa chúng ta đặt vấn đề từ đầu những năm 80 cho đến bây giờ là gần 30 năm. Tuy nhiên, chúng ta xây dựng quá chậm trong khi hiện tại, tư duy và tâm lý con người thay đổi, xã hội chúng ta thay đổi, vậy thì, nó có phù hợp nữa không? Tôi nghĩ, cần phải có cả một nhóm thẩm định đánh giá một cách toàn diện tất cả những vấn đề về kinh tế, văn hóa, chính trị một cách khách quan và công bằng. Nhìn nhận lại với một tư duy tái cơ cấu, xem xét lại mục đích, mục tiêu của chúng ta đưa ra, có đạt hay không đạt, suy nghĩ lại để mà thay đổi mục tiêu của Làng Văn hóa là vô cùng cần thiết.

PV: Cụ thể hơn thì chúng ta có thể khai thác theo hướng nào để đảm bảo mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị của Làng Văn hóa các dân tộc, phát huy nguồn lực xã hội, bớt đi một phần gánh nặng cho ngân sách khi phải bao cấp quá lớn cho hoạt động ở đây? 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy:  Đầu tiên phải tái cơ cấu lại Làng Văn hóa trở thành những nơi nghỉ dưỡng. Trong những nơi nghỉ dưỡng như thế có những công trình của các làng dân tộc, hệ thống cảnh quan. Các gia đình đến nghỉ dưỡng, thưởng thức, khám phá nền văn hóa dân tộc, chứ không phải tổ chức các phong trào chính trị, các ngày dân tộc như hiện nay chỉ có những khách mời đến thăm.

Một phương án tôi cho rằng, những nhà hoạt động văn hóa hiện nay vẫn kêu là không có phim trường. Vậy thì tại sao chúng ta có cả một không gian rất đẹp như thế, những ngôi nhà như thế, chúng ta không biến thành những phim trường lịch sử, những phim trường hiện đại và những phim trường về các dân tộc thiểu số? Phim trường là kinh doanh và tư duy ấy là tư duy của các doanh nghiệp chứ không phải tư duy bao cấp.

Phương án thứ 3 mà chúng ta cần suy nghĩ là biến nơi đó thành nơi tổ chức giới thiệu nền văn hóa của thế giới với các câu chuyện huyền thoại. Nếu chúng ta làm theo hướng đấy thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ thu hút được du khách. Đây là câu chuyện chuyển đổi từ mục đích này sang một mục đích khác. Nhưng chúng ta vẫn giữ được cơ cấu, tất cả những thứ đấy nó như là một sự hài hòa giữa Disneyland ở các nước với Làng văn hóa các dân tộc, nó thu hút lẫn nhau và sẽ thu hút được đông đảo khách tham quan mà các mục tiêu của chúng ta đưa ra không phải là không thể thực hiện được.

Cần một tư duy mới về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

PV: Nhưng cũng có người cho rằng do kinh phí đầu tư thiếu, thời gian thi công kéo dài, các công trình dang dở nên Làng văn hóa các dân tộc chưa phát huy hết công năng, hiệu quả hoạt động chưa được như mong muốn? Quan điểm của ông thì như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Các mục tiêu của chúng ta đặt ra chứ không phải cách làm, chúng ta đã đi quá chậm và trở nên lạc hậu. Chúng ta phải thay đổi cơ cấu, phải thay đổi mục tiêu chứ không phải là ở việc đầu tư kinh phí. Đầu tư kinh phí có nhiều hơn nữa chúng ta vẫn không làm được. Bởi vì đó không phải là nơi bảo tồn, cũng không phải là một nơi du lịch, mà chủ yếu phục vụ chính trị một cách đơn giản, thiếu một sự tinh tế để đi vào lòng người. Thế nên phải đánh giá một cách toàn diện những vấn đề này, rồi sau đó Nhà nước, Chính phủ mới có quyết đáp một cách đúng đắn nhất. Chúng ta không trách ai, nhưng phải hết sức dũng cảm để đánh giá câu chuyện đấy, thay đổi chiến lược, thay đổi mục tiêu cho nó phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!