Tối 20/8, Bảo tàng Văn hóa Huế phối hợp với Câu lạc bộ ca Huế thuộc Trung tâm Văn hóa Huế, tổ chức buổi trình diễn ca Huế thính phòng tại 25 Lê Lợi, thành phố Huế. Đây là lần đầu tiên không gian ca Huế thính phòng ra mắt để phục vụ công chúng sau một thời gian dài “vắng bóng”.

Ca Huế là một loại hình nghệ thuật cổ truyền của xứ Huế hình thành trên nền tảng dân ca, được phát triển và nâng cao thành một loại hình âm nhạc bác học vừa mang tính cung đình, vừa gắn bó mật thiết với người dân xứ Huế qua nhiều đời. Hơn 20 năm trước, ca Huế được đưa xuống biểu diễn trên thuyền để phục vụ du lịch. Do nhu cầu phục vụ đại chúng nên ca Huế trên sông Hương xuống cấp, biến dạng. Những bài bản cổ của ca Huế cũng dần rơi vào quên lãng...

Đưa ca Huế trở lại không gian thính phòng luôn là ấp ủ trong tâm thức của những người yêu ca Huế. Không gian ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế ra đời, đã quy tụ những nghệ nhân dân gian ca Huế nổi tiếng như: nghệ nhân Minh Mẫn, Thanh Lương, Kim Vàng và các nghệ sĩ ca Huế gạo cội thường xuyên góp mặt trong các đêm biểu diễn, nhằm trao gửi cho lớp trẻ các làn điệu ca Huế cổ. Nghệ sĩ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế thính phòng cho hay, sắp tới Câu lạc bộ sẽ tổ chức biểu diễn vào tối thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, ngoài ra còn biểu diễn theo yêu cầu của du khách: “Ca Huế thính phòng và ca Huế sông Hương cũng có cái phần khác do dưới sông Hương do đối tượng rộng lớn, thì với liều lượng khoảng 1 giờ đồng hồ, do đó những bài bản lớn như Nam Ai, Nam Bình, Nam Xuân… không có điều kiện để biểu diễn mà chỉ biểu diễn lý là chính. Trong khi ca Huế thính phòng thì những bài bản có điều kiện để phát huy vì không gian của thính phòng có điều kiện về thời gian để mà chơi những bài bản lớn”.

Trở lại Câu lạc bộ ca Huế thính phòng, Bảo tàng Văn hóa Huế cũng mở  phòng trưng bày những hình ảnh, tư liệu, hiện vật  liên quan đến ca Huế từ trước tới nay, giúp người dân và du khách càng hiểu rõ hơn về ca Huế.

Ông Huỳnh Đình Kết, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế cho biết: “Chúng tôi phối hợp tổ chức trình diễn ca Huế thính phòng để cho các nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân dân gian và các nghệ sĩ mới thành danh có điều kiện để ôn luyện, truyền dạy và giữ gìn các bài bản cổ của ca Huế mà các bản gốc của nó các nghệ nhân, nghệ sĩ lưu giữ và sẽ truyền dạy cho các nghệ nhân, nghệ sĩ sau này”./.