Ủy ban Nhân dân huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định vừa ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, có hiệu lực từ ngày 13/1 nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hiện lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích.

Tuy nhiên, Quy chế này đang vấp phải phản ứng gay gắt từ phía người dân và một số thủ nhang tại Phủ Dầy vì trong đó có quy định về việc chọn cử người trụ trì, thủ nhang (người trông coi, quản lý di tích) với nhiệm kỳ 5 năm.

img_3327_odtg.jpgPhủ chính Tiên Hương, thuộc quần thể di tích Phủ Dầy

Dân bức xúc vì lo ngại thay thủ nhang

Gần 2.000 người dân xã Kim Thái, huyện Phủ Dầy, Nam Định đã ký tên vào đơn kiến nghị phản đối bản Quy chế vì không đồng thuận với ý kiến của nhân dân địa phương.

Điều 13, Chương IV của Quy chế quy định tiêu chuẩn, điều kiện chọn thủ nhang có đoạn: Thủ nhang phải là người được nhân dân địa phương nơi có di tích tín nhiệm chọn cử, ký hợp đồng quản lý di tích với thời hạn 5 năm. Sau 5 năm, người trụ trì nếu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, được nhân dân tín nhiệm thì có thể tiếp tục công việc.

Theo đó, phần lớn người dân đều tỏ ra bất bình vì lo ngại thủ nhang quản lý di tích sẽ bị thay thế sau nhiệm kỳ 5 năm, bởi đối với họ, hiện tại, các thủ nhang đều được tín nhiệm và từ trước đến nay đều làm rất tốt công việc của mình. Hơn thế nữa, các thủ nhang có tâm có đức, đã có công bảo tồn, tôn tạo di tích Phủ Dầy từ bao năm nay.

“Họ đã tận tâm, tận lực, cố gắng hết mình trùng tu, tôn tạo di tích và các công trình kiến trúc phúc lợi của địa phương. Ngoài ra, các thủ nhang cùng với dòng họ, dân làng chúng tôi khôi phục lại lễ hội tín ngưỡng tâm linh theo phong tục thờ Mẫu”, đơn kiến nghị của người dân ghi rõ.

Người dân lo ngại thủ nhang bị thay thế

Chị Dương Thị Nhương (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định) bày tỏ mong muốn trước đây chọn thủ nhang như thế nào thì bây giờ cứ như vậy mà áp dụng: “Quần thể Phủ Dầy thuộc đất của xã Kim Thái thì để cho người dân quản lý. Chúng tôi đã chọn ra người thủ nhang mẫu mực, có tâm có đức, có cơ duyên và có tuổi đời. Chính quyền chỉ nên quản lý trong những ngày lễ hội dưới hình thức đứng sau hỗ trợ cho nhà đền”.

Bà Trần Thị Duyên (85 tuổi), thủ nhang phủ chính Tiên Hương, thuộc quần thể di tích Phủ Dầy bày tỏ: “Năm 1988, tôi được dân làng tín nhiệm bầu làm thủ nhang. Trong 27 năm qua, chúng tôi đã dâng hiến gần trọn cuộc đời bằng trí tuệ, công sức, mồ hôi, nước mắt và xương máu mới trùng tu được ngôi phủ khang trang, đẹp đẽ như ngày nay. Chúng tôi là những người có tâm có đức, am hiểu về đạo Mẫu. Vì vậy, gia đình tôi đương nhiên được tiếp tục quản lý”.

Bà Trần Thị Duyên, thủ nhang phủ chính Tiên Hương, thuộc quần thể di tích Phủ Dầy

Ông Lê Hồng Lân, thủ nhang Lăng Mẫu tuyên bố Quy chế này không hợp lý, đồng thời yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Ông cho biết, gia đình ông đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng, tu bổ di tích Lăng Mẫu, đến nay vẫn nợ một khoản tiền lớn.

Một điều nữa khiến người dân bức xúc là trong các cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự thảo Quy chế, người dân không được tham gia mà chỉ có trưởng thôn, bí thư chi bộ, mặt trận thôn. Do vậy, họ cho rằng cuộc họp này không thể đại diện cho nhân dân.

Không có chuyện đưa cán bộ thay thế thủ nhang

Trước những ý kiến còn băn khoăn của một số thủ nhang, và không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, ông Phạm Đình Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản giải thích, Quy chế không nhằm mục đích thay thế các thủ nhang hiện nay, không đưa người của huyện, của xã về thay thế.

Ông Phạm Đình Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản

Tại điều 13 của Quy chế đã nêu rõ, việc tiến cử người trụ trì, trông coi, quản lý di tích sẽ ưu tiên những người có nhiều năm trực tiếp trông coi, quản lý di tích và có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; có hiểu biết về lịch sử văn hóa di tích, về lễ hội Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu.

Theo ông Mậu, trước mắt, nếu các thủ nhang có nguyện vọng tiếp tục quản lý di tích thì làm đơn và cam kết thực hiện quản lý di tích đúng quy định của pháp luật, địa phương sẽ tiến hành bổ nhiệm trụ trì nhiệm kỳ đầu tiên thời hạn 5 năm. Hết nhiệm kỳ, người trụ trì nếu được nhân dân tín nhiệm có thể tiếp tục công việc.

Bên cạnh đó, ông Mậu cũng cho rằng việc ban hành Quy chế là cần thiết nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy, tránh tư nhân hóa di tích.

Theo ông Mậu, di tích là của Nhà nước, của toàn dân, chứ không của riêng ai. Di tích vẫn do người dân địa phương quản lý và chịu trách nhiệm trước xã và các cơ quan cấp trên.

Cùng quan điểm với ông Mậu, ông Trần Văn Cường, thủ nhang Phủ Vân Cát hoàn toàn nhất trí với chủ trương của huyện Vụ Bản.

“Tôi hoàn toàn đồng ý vì Quy chế mang tính dân chủ. Quy chế ra định nghĩa đây là tài sản của Nhà nước, của cộng đồng. Chứ không của bất cứ một người nào", ông Cường khẳng định. 

Việc ban hành Quy chế quản lý, có sự tham gia của cộng đồng là cần thiết, song, điều quan trọng là Quy chế đó phải nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương. Chính quyền cần giải thích cụ thể, rõ ràng, tranh thủ được sự đồng tình của người dân, tránh sự hiểu lầm, gây ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị của di tích./.