Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp – hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2012-2015, sáng nay tại Phú Thọ diễn ra lễ tổng kết các lớp truyền dạy hát Xoan Phú Thọ tại các phường Xoan gốc năm 2014.

Mục đích của việc tổ chức các lớp đào tạo nghệ nhân kế cận là tăng cường nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là si sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghệ thuật trình diễn hát Xoan Phú Thọ cho các học viên vận dụng vào hoạt động văn nghệ cơ sở và biểu diễn chuyên nghiệp đạt kết quả tốt. Đồng thời, phát huy vai trò của các nghệ nhân cao tuổi, truyền dạy, tập huấn cho thế hệ trẻ để hát Xoan ngày càng được lan tỏa trong cộng đồng…

hat_xoan_geaa.jpgCác nghệ nhân, học viên biểu diễn các điệu ca hát Xoan truyền thống Văn Hiếu

Trong 2 năm qua tỉnh Phú Thọ đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghệ nhân kế cận tại 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu với gần 100 học viên tham gia. Các học viên là những đối tượng được lựa chọn kỹ từ các hạt nhân tiêu biểu ở 2 xã. Là những người có năng khiếu, nhiệt tình, trách nhiệm, am hiểu về di sản hát Xoan có điều kiện tham gia hoạt động thường xuyên, lâu dài trong 4 phường Xoan gốc, người cao tuổi nhất là 72 tuổi và người nhỏ tuổi nhất là 24 tuổi.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng mở các lớp học hát Xoan cộng đồng tại các xã Kim Đức, Hồng Lâu và Hùng Lô, tạo được phong trào hát Xoan có sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân…

“Bản thân là thế hệ lớp cận kề nghệ nhân, tôi rất vui được tham gia lớp đào tạo. Hiện nay, con gái tôi cũng tham gia lớp cộng đồng nói về hát Xoan là truyền thống. Mặc dù bận rộn, tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian tham gia mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc phát huy giá trị di sản hát Xoan để nhiều người biết đến và gìn giữ”, học viên Nguyễn Thị Hiền chia sẻ./.