Nhân sự kiện một năm sau khi Hát Xoan được tổ chức UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cũng như tin vui về việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng vừa được UNESCO vinh danh trong năm nay, PV VOV phỏng vấn ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ về vấn đề này.
PV:Ông có đánh giá như thế nào về di sản Hát Xoan sau một năm được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp?
Ông Phạm Bá Khiêm: Sau 1 năm có thể đánh giá, điều lớn nhất là sự nhận biết. Hát Xoan là 1 văn hóa, nghệ thuật dân gian nằm sâu ở tầng thời đại Hùng Vương truyền lại. Nói đến Hát Xoan là biết của Phú Thọ, nhìn trang phục là biết của Hát Xoan. Nhiều nhạc sĩ đã lấy chất liệu âm nhạc Hát Xoan để viết bài hát.
Hát Xoan là 1 văn hóa, nghệ thuật dân gian nằm sâu ở tầng thời đại Hùng Vương truyền lại (ảnh minh họa: internet) |
Người dân Phú Thọ rất tự hào có Hát Xoan gắn với thời đại Hùng Vương và có ý thức giữ gìn, học và hiểu lịch sử của Hát Xoan, chưa nói đến biết vài làn điệu. Phú Thọ cũng là tỉnh đầu tiên ban hành quy chế phong tặng nghệ nhân Hát Xoan. Trong đợt đầu tiên đã vinh danh 34 cụ ở tuổi 70 trở lên vì có nhiều năm bảo tồn di sản này.
Có thể nói hơn 1 năm việc bảo tồn Hát Xoan ở Phú Thọ đã được chú trọng đúng mức. Cũng đã tổ chức tour tuyến đến thăm quan các làng xoan cổ. Nếu theo tích xưa thì Hát Xoan phải là các đào, chưa chồng, tuy nhiên, hiện nay các tiết mục Hát Xoan vẫn chủ yếu là do các cụ cao tuổi biểu diễn chứ lớp trẻ vẫn còn rất ít. Đó là một hạn chế.
PV:Năm 2012, trong hội Lim, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 3.000 người hát quan họ để lập kỷ lục với mục đích chứng tỏ di sản quan họ đang được bảo vệ rất tốt. Tuy nhiên, sau đó đã vấp phải rất nhiều phản hồi của dư luận cũng như các nhà nghiên cứu. Năm 2013, nhiều người cũng thắc mắc rằng, không biết với Hát Xoan, Phú Thọ có định làm như thế không, thưa ông?
Ông Phạm Bá Khiêm: Câu hỏi này tôi cũng đã được nhiều người đề cập tới. Nhưng theo tôi, với mỗi di sản lại phải ứng đối khác nhau. Hát Xoan muốn duy trì, được thế giới công nhận lại là cái gốc của nó, vũ đạo cổ, trên không gian cổ. Có gộp 4 đoàn xoan thì cũng mới chưa được 100 người chứ không thể có hàng nghìn người được.
PV:Di sản ca trù mặc dù được vinh danh đã lâu nhưng vẫn đang loay hoay chưa tìm ra con đường bảo tồn bền vững. Còn với Hát Xoan, những gì còn giữ được đến nay, hẳn sẽ là lợi thế lớn trên con đường bảo tồn loại hình âm nhạc này trong tương lai, thưa ông?
Ông Phạm Bá Khiêm: Cái mà chúng tôi băn khoăn nhất là nếu giữ điệu cổ mãi, với cách biểu diễn, hình thức, không gian như thế thì lớp trẻ không mấy hứng thú. Mà lớp trẻ không hứng thú, say mê thì khó bảo tồn.
Phú Thọ, cái nôi của Hát Xoan tuy nhiên thế hệ trẻ tại đây lại không mấy mặn mà và hứng thú với nó… |
Ca trù cũng vậy. Phú Thọ cũng là 1 tỉnh có ca trù nhưng lớp trẻ đến với ca trù quá hiếm hoi. Còn Hát Xoan thì chúng tôi đã làm việc với trường ĐH Hùng Vương và các trường học để đưa Hát Xoan vào học; Đồng thời, hàng năm có tổ chức hội diễn, liên hoan để khuyến khích lớp trẻ.
PV:Hiếm có một tỉnh nào có đến 2 di sản văn hóa phi vật thể gắn kết với nhau là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được vinh danh như Phú Thọ. Vậy, đâu sẽ là cơ sở để tỉnh bảo tồn và phát huy được hai di sản quý báu này trong tương lai?
Ông Phạm Bá Khiêm: Hát Xoan được các nhà nghiên cứu cho rằng ra đời nhằm mục đích hát cửa đình chính là hát thờ Vua, trong đó có thờ cúng Hùng Vương. Hai di sản này tuy hai mà một, nó gắn với nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát huy được, trong nghi thức có Hát Xoan. Tôi tin rằng, việc đó phát huy được sẽ gắn kết và hỗ trợ giúp hai di sản cùng nhau phát triển./.
PV:Xin cảm ơn ông./.