Mới đây, nhiếp ảnh gia (NAG) Lê Huy Hoàng Hải (TP Huế) khiếu nại Công ty TNHH Truyền thông Hạnh Phúc Việt Nam về việc sử dụng hình ảnh của anh trong chương trình “Lễ hội áo dài - Nơi huyền thoại bắt đầu” trong khuôn khổ Festival Huế 2016 vừa diễn ra mà chưa xin phép tác giả.

Không cần biết tác giả là ai

Vụ việc nói trên là một trong vô số trường hợp bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh bị xâm phạm nghiêm trọng hiện nay. Theo các NAG, hiện rất phổ biến tình trạng sử dụng ảnh không xin phép, không đề tên tác giả và không thanh toán tiền tác quyền.

150219-1.jpg
Bức ảnh “Cơn mưa rào” của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu bị nhiều đơn vị, cá nhân xâm phạm bản quyền
NAG Tăng A Pẩu cho biết anh có nhiều tấm ảnh bị “chôm”, trong đó bức “Cơn mưa rào” chụp 3 đứa trẻ chạy chơi dưới mưa bị “chôm” nhiều nhất. Từ việc được đưa vào sách “Tài liệu Dạy - Học vật lý 6” (NXB Giáo dục) đến các trang web dạy tiếng Anh, bức ảnh này còn được một trang mạng bên Campuchia sử dụng minh họa cho một bài hát. NAG khẳng định chỉ mình anh có tấm ảnh này. Một số ảnh chụp động vật hoang dã của Tăng A Pẩu cũng bị một website về sinh vật rừng Việt Nam xin phép sử dụng song không ghi tên anh là tác giả mà thay vào tên chủ website. NAG nhiều lần nhắc nhở nhưng chủ trang web cứ chây ì, không sửa.

Bức ảnh “Xuân đoàn tụ” của NAG Dzũng Nguyễn cũng được tác giả cho là bị nhiều đơn vị, cá nhân xâm phạm bản quyền

“Đó mới chỉ là những tấm ảnh bị ăn cắp mà tôi tình cờ biết đến. Nói chung, nạn đạo ảnh ở Việt Nam đã trở nên ngày càng tồi tệ. Họ ngang nhiên lấy ảnh của bất kỳ ai để dùng không còn cho mục đích giải trí nữa mà có khi còn sử dụng cho việc quảng bá cho mục đích thương mại cá nhân” - NAG Tăng A Pẩu bức xúc.

NAG Dzũng Nguyễn cho biết tác phẩm “Xuân đoàn tụ” của anh cũng bị nhiều đơn vị vô tư sử dụng, như khách sạn A. (quận 3, TP HCM), khu đô thị D. I (quận 2, TP HCM). NAG này nói rằng 3 năm nay, cứ vào dịp lễ, Tết, anh đi ngang khách sạn A. đều thấy tấm ảnh “Xuân đoàn tụ” của mình bị dùng làm panô quảng cáo. Khách sạn này chưa từng liên lạc với anh để xin ảnh.

Có trường hợp do không biết tác giả hoặc chưa thể tìm ra tác giả để xin phép nhưng đa phần đều không có ý thức tôn trọng quyền tác giả, chỉ thấy hợp với mục đích sử dụng của mình là vô tư xài.

NAG Trần Bảo Hòa (Đắk Lắk) kể có lần anh phát hiện ảnh chụp ngã sáu TP Buôn Ma Thuột về đêm của mình bị một tờ báo ngành sử dụng minh họa cho trang bìa mà chưa xin phép anh. Tìm hiểu kỹ, anh mới biết trước đây mình có bán ảnh cho một cơ quan (có hợp đồng) mua về làm lịch, sau đó cơ quan này đem ảnh đó cho tờ báo kia sử dụng.

Trong lĩnh vực truyền hình, chuyện lấy ảnh đẹp trên internet để minh họa cho các chương trình là rất phổ biến. Một đạo diễn truyền hình thú thật: Sở dĩ anh không xin phép tác giả ảnh là vì: “Có biết tác giả là ai đâu!”. Nếu có NAG nào khiếu nại thì đạo diễn và biên tập viên thực hiện chương trình phải đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi tác giả, trả tác quyền theo yêu cầu.

Cần tổ chức bảo hộ tác quyền như bên âm nhạc

NAG Lê Huy Hoàng Hải cho biết đã có nhiều lần ảnh của mình bị người khác sử dụng, đa số là ở các trang mạng xã hội. Điển hình là bức ảnh anh chụp vợ và con vào năm 2012 đã bị sử dụng vào mục đích quảng cáo rất nhiều trong dịp Tết. Sau khi anh liên hệ, các đơn vị và cá nhân sử dụng đều đã xin lỗi, bồi thường tác quyền.

Mỗi khi phát hiện ảnh bị “chôm”, nếu đó là mục đích phi lợi nhuận, từ thiện thì Lê Huy Hoàng chỉ cần yêu cầu họ thêm tên tác giả vào ảnh. Còn nếu là mục đích kinh doanh, chắc chắn anh buộc họ phải có lời xin lỗi công khai và bồi thường tác quyền. Anh nêu lý do yêu cầu Công ty TNHH Truyền thông Hạnh Phúc Việt Nam xin lỗi công khai và bồi thường tác quyền vụ vi phạm đã nêu trên: “Tôi yêu cầu bồi thường tác quyền là để những công ty và cá nhân đã, đang và sẽ vi phạm phải có trách nhiệm với hành động của mình, có ý thức hơn trong việc sử dụng hình ảnh. Không phải cứ sử dụng tác phẩm của người khác vô tội vạ, sau đó nói xin lỗi là xong!”.

NAG Trần Bảo Hòa cho rằng nếu người sử dụng ảnh tôn trọng người chụp thì họ đã chủ động liên hệ hay chí ít cũng tìm hiểu bức ảnh này từ đâu. Một số NAG nổi tiếng hiện nay như Thái Phiên, Hoàng Thế Nhiệm, Nguyễn Á... có website riêng trưng bày hình ảnh để cá nhân hay tổ chức có nhu cầu thì mua. Tuy nhiên, cần một tổ chức quản lý tập thể bản quyền nhiếp ảnh như bên âm nhạc thì hiện nhiếp ảnh chưa có. Người sử dụng ảnh muốn tìm tác giả của một bức ảnh đăng đâu đó trên mạng để xin phép cũng nan giải trong khi nhu cầu sử dụng cấp bách.

Theo NAG Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM (HOPA), trong định hướng của ngành nhiếp ảnh có đề cập chuyện này song đến nay chưa có sự định hình nào cụ thể. Hiện tại, ai có nhu cầu mua ảnh, liên hệ HOPA thì sẽ được giới thiệu nguồn.

“Ý tưởng chúng tôi đã có từ lâu song muốn có một ngân hàng ảnh để cung cấp cho bên mua thì phải có một tổ chức am hiểu về tác quyền nhiếp ảnh đứng ra làm đầu mối vận động các NAG tham gia gửi ảnh vào. Bộ phận Phòng Nghiên cứu phát triển nhiếp ảnh của hội còn đang nghiên cứu việc này” - Phó Chủ tịch HOPA cho biết.

Ngại đi kiện

Hầu hết các NAG ít quan tâm đến việc bảo hộ bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh nên khi có xảy ra tranh chấp thường mất nhiều thời gian phân xử. Tâm lý một mình tác giả phải tự thân thực hiện nhiều thủ tục để chứng minh ảnh gốc, ảnh có bản quyền với các cơ quan chức năng khiến họ dễ chán nản và buông xuôi. NAG Tăng A Pẩu cho rằng đi kiện nhiều khi tốn thời gian mà giá trị thắng kiện cũng không đáng bao nhiêu; thêm nữa, nhiều NAG không sống bằng nghề kinh doanh ảnh như anh thì lại chẳng mấy quan tâm.

NAG Bùi Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TP HCM, cho biết các NAG chơi ảnh không nhằm mục đích kinh doanh thì ít quan tâm chuyện đăng ký bản quyền tác phẩm. Ngay cả các hội nhiếp ảnh hiện nay cũng chưa đề cập vấn đề bản quyền tác phẩm cho hội viên nắm rõ. Cho nên, khi có tranh chấp bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh thì giải quyết như “con kiến kiện củ khoai”, chẳng đi đến đâu!./.