Ở tuổi 60, cuối cùng người đàn bà ấy cũng có cơ hội được sống cùng người trong mộng. Đó cũng là lúc bà nhận ra tình yêu đã chẳng còn.

Mối tình của bà Sâm bắt đầu từ khi bà còn là một cô gái 18 tuổi và đang học nghề tại Nhà máy Ô tô Hoà Bình, Hà Nội. Người yêu bà học khoá trên, hơn bà 3 tuổi. Lúc đó, ông là một chàng trai hiền lành, có phần nhút nhát và học rất giỏi. Yêu nhau một năm, ông ra trường về Hải Phòng công tác. Hôm chia tay để người yêu đi nhận công tác, bà Sâm có một lời nguyền: Nếu không lấy được ông, bà sẽ ở vậy cho đến lúc chết.

Cuộc chia li thời chiến tranh đầy lưu luyến và tin tưởng. Thế rồi ngày ra trường cũng đến, bà Sâm nhận công tác cùng thành phố với người yêu. Trước khi đi làm, bà được nghỉ phép 1 tháng. Ông đã cùng bà về thăm quê, hai người đã tính đến chuyện làm đám cưới. Bà nghĩ trước khi cưới, mình phải có bổn phận nói cho người yêu mọi chuyện, kể cả những điều tồi tệ nhất. Và bà đã nói cho ông biết bí mật từ lâu bà đã phải giữ kín: đó là năm 14 tuổi, bà đã từng bị cưỡng bức.

Nghe xong câu chuyện, ông đã lặng đi rất lâu, cuối cùng, ông xin bà cho ông một thời gian để suy nghĩ. Những lần gặp gỡ cứ nhạt dần và hai người đã chia tay nhau trong sự tẻ nhạt, bẽ bàng. Sau đó một thời gian, bà có đến cơ quan ông để tìm thì được biết ông đã chuyển đi nơi khác làm việc. Bà biết mình đã thực sự mất người yêu, nhưng bà không trách ông, bà chỉ nghĩ đó là số phận của mình…

ke-tron-tinh1.jpg
Ảnh minh họa

16 năm sau, vào một ngày chủ nhật, ông anh họ của bà dắt theo một người bạn đến thăm. Người bạn đó lại chính là ông. Bà đã không kìm nén được cảm xúc, ôm lấy ông mà khóc oà trước sự ngỡ ngàng của người anh họ. Lần gặp ấy cho bà biết rằng, 3 năm sau khi hai người chia tay, ông cưới vợ và đã có 2 con. Còn bà, vẫn một mình một bóng.

Thực ra cũng có nhiều người đến với bà nhưng bà không thể yêu ai, bà không quên được mối tình đầu. Thời gian sau cuộc gặp đó, hai người thường gặp gỡ nhau, cùng đi chợ nấu cơm vào những ngày chủ nhật. Bà cảm nhận ông cũng chưa quên được tình đầu. Một lần, bà đã ngỏ ý xin ông đứa con làm chỗ dựa lúc tuổi già. Nhưng không hiểu sao ông đã từ chối khéo và lại dần xa cách. Lại một lần nữa ông chạy trốn bà bằng cách chuyển cơ quan…

Mười năm sau cuộc gặp định mệnh ấy, bà Sâm nghỉ hưu về quê dựng một căn nhà đơn sơ sinh sống. Hơn 50 tuổi, bà vẫn chưa một lần làm vợ, làm mẹ. Cuộc sống tĩnh lặng nơi quê nhà không làm cho lòng bà an bình, bà nhận ra chưa khi nào bà hết nhớ ông, mối tình cả đời của mình. Năm 2007, ông đã tìm về quê nơi bà đang sinh sống. Ông cho biết ông nghỉ hưu đã lâu, vợ ông đã mồ yên mả đẹp và các con cái đã thành đạt.

Ông nói giờ ông đã có điều kiện để chuộc lỗi lầm xưa, ông muốn kết hôn để hai người sống với nhau hết quãng đời còn lại. Bà Sâm theo ông về Hà Nội thăm gia đình và các con. Nghe chuyện của ông, các con cũng đồng tình mời bà về sống cùng ông. Bao nhiêu năm qua, đó là điều bà vẫn thầm mơ ước, khát khao. Nhưng, lúc này bà tự dưng lại cảm thấy băn khoăn, bà sợ sức khoẻ của mình không được tốt sẽ là gánh nặng cho ông.

Hơn nữa, đã nhiều năm bà sống độc thân, lại ở nông thôn, nếu giờ kết hôn, cuộc sống gia đình và nếp sống thành phố có làm bà khó thích nghi? Và quan trọng hơn, bà không biết mình còn thực sự mong ước được sống bên người đó nữa chăng?

Đối diện với sự thật về sự trong trắng của người yêu ngay trước ngày cưới là một cú sốc lớn, nhất là vào thời của họ, và người đàn ông đó đã không thể vượt qua.
Câu chuyện của bà Sâm được chọn phát sóng trên chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi của Đài TNVN và thu hút hàng trăm ý kiến từ những người nghe đài. Đa số cho rằng, người đàn bà này không nên sống cùng ông người yêu đó nữa. Thính giả có rất nhiều lý lẽ nhằm thuyết phục bà Sâm rời bỏ cuộc tình. Rất nhiều người lên án người đàn ông đó là ích kỷ và nhìn nhận ông muốn kết hôn với bà Sâm lúc này vì muốn lợi dụng bà như một ô-sin.

Nếu phải tin vào điều đó, câu chuyện này buồn quá! Thực ra, bà Sâm đã không nghĩ như thế. Hai lần trốn chạy của người đàn ông đó được xuất phát từ những tình cảm hoàn toàn trái ngược.

Lần trốn chạy đầu tiên xuất phát từ sự yếu đuối của một chàng trai trẻ. Đối diện với sự thật về sự trong trắng của người yêu ngay trước ngày cưới là một cú sốc lớn, nhất là vào thời của họ và người đàn ông đó đã không thể vượt qua. Lần chạy trốn thứ hai lại hoàn toàn khác. Khi đó, ông đã có gia đình và cũng có đủ sự chín chắn để nghĩ đến trách nhiệm của mình. Đó không chỉ là trách nhiệm đối với vợ, con, mà còn là trách nhiệm đối với chính người đàn bà đã yêu mình.

Với ý nghĩ đó, người đàn bà này mới có thể nuôi dưỡng mãi hình ảnh tốt đẹp về ông ta. Hai con người đó có những quan niệm hoàn toàn khác nhau về tình yêu. Nếu như người đàn bà tôn thờ tình yêu, dành cả cuộc đời thờ phụng mối tình ngang trái của mình, thì người đàn ông chưa bao giờ dám sống thật với tình cảm của mình. Bây giờ, bà Sâm không muốn sống với người đàn ông đó cũng là vì bà không muốn xoá đi những tình cảm mà bà đã nuôi dưỡng trong suốt cuộc đời mình.

Tôi tin rằng, những ký ức về một tình yêu không trọn vẹn đó sẽ mang đến cảm giác hạnh phúc cho bà. Còn người đàn ông kia, kẻ chạy trốn tình yêu đó, dẫu ông ta có một cuộc sống gia đình viên mãn, song có lẽ, cả đời ông ta không thể tha thứ được cho mình vì không đủ bản lĩnh để đón nhận tình yêu của bà Sâm. Có lẽ, đó cũng chính là điều khiến cho những câu chuyện tình yêu luôn huyền ảo, sự được mất trong tình yêu không bao giờ phụ thuộc vào lý chí, vào sự cân nhắc của con người./.