Có một người phụ nữ viết thư kể lại câu chuyện của mình bằng một giọng văn có nhịp điệu vô cùng buồn bã. Chị viết: Mẹ tôi số vất vả, lập gia đình khi đã quá lứa lỡ thì. Năm 3 chị em tôi còn đang tuổi ẵm ngửa thì bố mất, vậy là chỉ còn một mình mẹ tất bật với 3 đứa con thơ. Thế rồi theo thời gian, mấy chị em tôi cũng dần khôn lớn, dù chẳng đứa nào được học hành đến nơi đến chốn. Năm ấy, ông chú tôi ở xã bên đến nói với mẹ xin cho tôi lên Hà Nội làm công nhân. Chú bảo, công việc tuy có vất vả nhưng có thêm chút tiền phụ giúp gia đình, còn hơn cả nhà cứ quanh quẩn ở đây, đến cái ăn còn chẳng có nói gì đến lo cho tương lai sau này... Nghe chú nói vậy, mẹ đồng ý ngay.
Thế là tôi khăn gói lên Hà Nội, bắt đầu cuộc sống làm thuê. Ban đầu, chú thím bảo do chưa xin được việc nên tạm thời tôi cứ đi giúp việc cho một gia đình buôn bán, là chỗ người quen nhà chú thím, sau này xin được việc rồi hẵng hay. Năm ấy tôi mới 17 tuổi, việc gì cũng sẵn sàng nhận hết, miễn sao không trở thành gánh nặng trong gia đình.
Mà ngày ấy (vào đầu những năm 1990), cái nghề giúp việc đâu có được phát triển như bây giờ, công cán chỉ gọi là, được nhà chủ nuôi ăn, nuôi mặc đã là hạnh phúc lắm rồi. Tôi ở được hơn nửa năm thì chị chủ nhà sinh em bé... Cũng trong thời gian này, anh chủ thường hay chủ động săn đón, tán tỉnh tôi. Tôi thì quá ngây thơ, thấy anh ta bảo thương mình thật lòng cũng tưởng thật. Mỗi lời nói của anh ta đều khiến tôi cảm động.
Ông chủ và ô-sin trẻ - Ảnh minh họa |
Khi ấy tôi chỉ nghĩ rất đơn giản rằng, thật may mắn vì một con bé giúp việc, nghèo kiết xác như mình mà cũng được một người đàng hoàng, danh giá như anh ta để ý đến. Và tôi cứ sống trong cái vòng hạnh phúc ảo tưởng ấy, được gần 1 năm thì chuyện vỡ lở. Chị chủ nhà làm 1 trận đánh ghen ầm ĩ, còn anh ta thì sợ hết hồn, không dám nhìn sang phía tôi dù chỉ là một cái liếc xéo. Không còn cách nào khác, tôi đành thu dọn đồ đạc, lầm lũi trở về quê trong nỗi thất vọng, tủi nhục ê chề...
Thật đúng là tin dữ đồn xa. Khi tôi vừa bước chân về đến nhà cũng là lúc mọi chuyện về tôi đang ầm ĩ, xôn xao khắp cả làng. Ai cũng nhìn tôi với ánh mắt dè bỉu, khinh khi. Mẹ không nói một câu, nhưng chú thím thì mắng xa xả vào mặt tôi. Họ nói tôi là loại người chẳng ra gì, là kẻ ăn cháo đá bát... Tôi biết mình chẳng oan nên không dám hé răng lấy một lời, chỉ cảm thấy quá tuyệt vọng cho tương lai của mình.
Từ ngày đó, tôi sống trong sự mặc cảm tội lỗi. Nhờ chút tiền dành dụm của mẹ, tôi được đi học nghề may, sau đó thuê một gian hàng nhỏ ở gần nhà để mở hiệu, cuộc sống cũng tạm ổn... Năm nay tôi ngoài 30 tuổi, 2 đứa em đều đã trưởng thành, đứa lấy chồng xa, đứa vừa đi học vừa đi làm xa, ở nhà chỉ còn tôi và mẹ già, thật là cô quạnh, buồn tủi.
Tôi biết phận mình bạc, sẽ chẳng có người đàn ông nào dám đến gần. Thế nhưng, điều khiến tôi đau lòng hơn cả, là đã từng ấy năm trôi qua mà tôi vẫn không sao gột rửa được vết nhơ của đời mình. Mọi người vẫn nhìn tôi như là 1 đứa con gái hư hỏng, chuyên mồi chài đàn ông. Tôi muốn quên đi quá khứ, nhưng từng ngày từng giờ, nó vẫn cứ hiển hiện trước mắt tôi - chính bởi cái cách mà mọi người đã cư xử với tôi.
Và câu chuyện này, tôi kể lại như một lời tâm tình gửi mẹ, gửi bà con làng xóm. Tôi biết mình đã lỗi lầm, nhưng lỗi lầm ấy có đáng để số phận của tôi phải hẩm hiu đến thế hay không?
Câu chuyện này là một bi kịch điển hình về chuyện điều tiếng ở làng quê. Những người dân làng ở vùng quê đó chắc chắn không phải là những người độc ác, nhưng sự định kiến của họ đã khiến cuộc đời của cô gái trở nên buồn thảm đến nỗi tuyệt vọng. Vậy thì vì sao họ làm thế? Phải chăng, đó là một thói quen được sinh ra trong nỗi buồn chán của làng quê? Khi đọc bức thư của cô gái, tôi bỗng nhớ đến chuyện xảy ra năm trước, khi hàng ngàn con người đổ xô về một ngôi chùa ở An Giang để xem chim. Con chim ấy chỉ hơn những con chim mà người dân trong vùng thường thấy.
Thế mà, cả ngàn người ngửa cổ xem chim rồi xôn xao đến nỗi tắc cả đường quốc lộ. Nghĩ cho cùng, với người nông dân, chuyện lạ chẳng có nhiều, mà thời gian thì xem chừng vô kể. Ruộng đồng ít đi, việc làm không có. Với cô gái trong câu chuyện này, phải chăng cái sự muộn chồng, cái phốt một lần lên thành phố của cô cũng có thể giúp người làng giải khuây mỗi khi buồn chán?./.